.

Phát triển các tổ hợp công nghiệp hóa chất chuyên sâu, hiện đại

Cập nhật: 18:37, 21/08/2024 (GMT+7)

Với lợi thế hiếm có, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp hóa chất của cả nước và khu vực, hình thành các tổ hợp sản xuất chuyên sâu và chỉ thu hút các dự án hiện đại, tạo ra giá trị cao.

Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn là một trong những tổ hợp sản xuất khép kín, hiện đại có quy mô lớn của cả nước.
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn là một trong những tổ hợp sản xuất khép kín, hiện đại có quy mô lớn của cả nước.

Trung tâm của ngành công nghiệp hóa chất

Vừa qua, khi tham gia Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Đoàn tới Hàn Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã cùng với Chủ tịch Tập đoàn Hyosung ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư.

Theo đó, Tập đoàn Hyosung tập trung nguồn lực để thực hiện dự án nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Bio-BDO với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD và dự án nhà máy sản xuất sợi carbon 500 triệu USD tại Phú Mỹ. Ngược lại, UBND tỉnh cam kết tạo điều kiện, cung cấp hướng dẫn cần thiết thủ tục hành chính liên quan đến việc đầu tư vào các dự án trên tại tỉnh phù hợp với quy định.

Như vậy, cùng với dự án Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG với vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD đang hoạt động ổn định, việc tiếp tục đầu tư thêm các dự án với tổng vốn hàng tỷ USD cho thấy Hyosung xác định Bà Rịa-Vũng Tàu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng “đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam”. 

Theo Sở Công thương, các KCN tập trung và trung tâm logistics về hóa chất tại Bà Rịa-Vũng Tàu bảo đảm tập trung tại các địa điểm xa dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông và bảo đảm an toàn môi trường, an toàn nguồn nước. Trong đó, có tính đến các yếu tố kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp.

Thời điểm này, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cũng đang quyết liệt để Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD vận hành chính thức trong quý IV năm nay. Đi vào hoạt động, tổ hợp này sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm, giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.

Dự án sẽ tạo sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và các ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đó là 2 trong nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực hóa chất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Có thể nhận thấy, điểm chung của các dự án là có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thậm chí là mới trên thế giới, thân thiện với môi trường. 

Sản xuất tại Dự án Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc).
Sản xuất tại Dự án Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc).

Hình thành các tổ hợp sản xuất chuyên sâu

Theo Cục Hóa chất, Bộ Công thương, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong số ít các địa phương của cả nước hình thành Tổ hợp công nghiệp hóa dầu như Long Sơn, Hyosung, đồng thời có KCN tập trung nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này là Phú Mỹ 3.

Điều này cho thấy tỉnh có mạng lưới sản xuất đã hình thành và đang phát triển. Cộng với các lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có (quan trọng nhất là dầu khí); hạ tầng cảng biển nước sâu; địa điểm đầu tư đã quy hoạch và mở rộng thuận lợi; thị trường tiêu thụ… giúp Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Hiện nay, cùng với Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được ban hành, Luật Hóa chất đang được nghiên cứu sửa đổi nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hoạt động hóa chất, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời bảo vệ con người; an toàn, thân thiện với môi trường.

Hiện nay, ngoài 2 tổ hợp hóa dầu với vốn đầu tư hàng tỷ USD, trên địa bàn tỉnh có trên 30 dự án trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất đang hoạt động trong các KCN. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh, bên cạnh công nghiệp hóa dầu để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, tỉnh cũng thúc đẩy các ngành công nghiệp hạ nguồn trong chuỗi giá trị, tức là các lĩnh vực hóa chất sau hóa dầu; hướng đến việc phát triển bền vững và bao trùm cụm ngành công nghiệp hóa chất với vai trò là công nghiệp vật liệu quan trọng của tỉnh nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Cùng với đó, quan điểm của Bà Rịa-Vũng Tàu là phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động. “Các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh ngoài các tổ hợp khép kín chủ yếu tập trung trong KCN, có hệ thống xử lý nước thải theo quy định, qua đó, hình thành các tổ hợp sản xuất chuyên sâu, các tổ hợp công nghiệp hóa chất với quy mô lớn hiện đại, an toàn theo hướng hóa học xanh và kinh tế tuần hoàn”, ông Đồng thông tin thêm.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.