Nông dân khấm khá nhờ trồng rau ăn quả

Thứ Năm, 15/08/2024, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Là vùng đất đỏ pha cát, phù hợp với các loại củ quả, nhiều hộ nông dân ở xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) đã làm giàn trồng khổ qua, bầu bí, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng các loại hoa màu khác.

Ông Nguyễn Văn Hùng bên giàn khổ qua đang cho thu hoạch khá.
Ông Nguyễn Văn Hùng bên giàn khổ qua đang cho thu hoạch khá.

Thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày từ cây khổ qua

Dẫn chúng tôi thăm vườn khổ qua đang trong giai đoạn thu hoạch, chỉ tay vào giàn khổ qua treo lủng lẳng trái, ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Bàu Chiên phấn khởi nói, gia đình có gần 1ha đất, trong đó 4 sào trồng khổ qua, còn lại trồng bầu bí. Với khổ qua, cứ 2 ngày hái khoảng 200kg, thương lái từ Đồng Nai đến tận vườn thu mua với giá 8.000-10.000 đồng/kg, lúc được giá lên đến 15.000 đồng/kg.

“Trồng khổ qua cho trái liên tục. Từ khi gieo đến khi thu hoạch trái là 30 - 35 ngày. Nếu chăm sóc tốt, vườn khổ qua cho thu hoạch kéo dài đến 2 tháng. So với cây bắp, cây mì, thì khổ qua cho lợi nhuận cao hơn nhiều”, ông Hùng cho biết thêm.

Cách đó chừng 1km, vườn khổ qua 1,5ha của nông dân Ngô Văn Lập đang bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu. Ông Lập cho biết, khổ qua cho thu hoạch trái nhiều đợt trong vụ. Theo tính toán của ông Lập, trung bình 2-3 ngày ông thu hoạch gần 1 tấn trái khổ qua. Vụ sau, ông chuyển qua trồng dưa leo, bầu bí để bán dịp Tết… Mỗi năm, gia đình ông Lập có thu nhập hơn 400 triệu đồng từ vườn rau ăn quả này.

Thành lập chi hội nông dân trồng rau xanh

Từ hiệu quả của mô hình trồng rau ăn quả, Hội Nông dân xã Tân Lâm đã vận động 12 hộ nông dân trên địa bàn liên kết thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng rau xanh Tân Lâm, với tổng diện tích canh tác hơn 30ha.

Ông Ngô Văn Lập (ngồi) cho biết, hầu như ngày nào khổ qua, bầu bí cũng cho thu hoạch.
Ông Ngô Văn Lập cho biết, hầu như ngày nào vườn khổ qua, bầu bí cũng cho thu hoạch.

“Nhiều vụ làm hàng không đủ bán cho thương lái, giá khổ qua, bầu bí khá tốt, tôi phải vận động bà con nông dân liên kết sản xuất để có đủ hàng cung cấp”, bà Trần Thị Phương Thúy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm nói.

Cùng với việc chú trọng sản xuất chất lượng, an toàn, các thành viên trong Chi hội Nông dân thường xuyên trao đổi kinh nghiệm qua từng vụ rau, bàn bạc nghiên cứu trồng thêm nhiều chủng loại rau khác nhau, nhất là rau trái vụ, trồng xen kẽ để không bị ứ hàng. Do đó, thương lái đã đặt hàng mua sản phẩm của chi hội với số lượng lớn và ổn định.

Theo UBND xã Tân Lâm, mô hình trồng rau ăn quả của hội viên nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập, thoát nghèo và vươn lên khá giả.

“Từ mô hình trồng rau ăn quả của chi hội, một số hộ nông dân trong xã đã làm theo và đang hưởng lợi. Địa phương đang nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao thu nhập cho nông dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Nguyễn Công Xuân cho biết thêm.

Bài, ảnh: PHẠM TÙNG

;
.