Ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên đàn gia súc, gia cầm

Thứ Năm, 29/08/2024, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Các ổ dịch tả heo châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu bò trên địa bàn tỉnh đã được khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên, thời điểm này trên cả nước dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Ngành chức năng và người chăn nuôi đang tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Khống chế kịp thời các ổ dịch

Ngày 14/8, tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc xuất hiện một ổ dịch tả heo châu Phi. Thông tin ghi nhận cho thấy, sau 14 ngày, kể từ ngày hộ chăn nuôi này nhập heo về nuôi, 19 con xuất hiện triệu chứng sốt cao, nằm yên một chỗ, bỏ ăn. Qua kiểm tra, số heo này bị bệnh dịch tả heo châu Phi.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc xảy ra 3 ổ dịch tả heo châu Phi với tổng số heo phải tiêu hủy 112 con. Ngoài ra tại xã Bưng Riềng còn có 1 con bò bị chết do bệnh viêm da nổi cục. Các ổ dịch xảy ra trên các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Ông Nguyễn Văn Tỏa, xã Bình Ba, huyện Châu Đức thực hiện sát khuẩn chuồng trại nuôi heo của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Tỏa, xã Bình Ba, huyện Châu Đức thực hiện sát khuẩn chuồng trại nuôi heo của gia đình.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Xuyên Mộc cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Xuyên Mộc đã phối hợp ban, ngành địa phương và UBND xã Hòa Bình hướng dẫn chủ hộ tiêu hủy heo mắc bệnh chết và các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định. Đến nay, ổ dịch trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới.

Dịch tả heo châu Phi cũng xảy ra tại huyện Châu Đức khi trong tháng 8, trên địa bàn huyện ghi nhận 3 ổ. Tổng số lượng heo mắc bệnh, tiêu hủy là 39 con.

Ông Trần Thanh Hoài, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Đức cho biết, hầu hết các ổ dịch xảy ra bắt nguồn từ việc không thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Các triệu chứng xuất hiện trên đàn heo đều xảy ra từ 5-10 ngày sau khi cơ sở xuất bán heo thịt, nhập thức ăn chăn nuôi nhưng không thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Khi có thông tin báo cáo dịch bệnh, Trạm đã triển khai các bước chống chế, dập dịch nhanh nhất.

Tăng cường kiểm soát

Huyện Châu Đức là địa phương có tổng đàn gia súc gia cầm lớn của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, huyện đã ghi nhận 5 ổ dịch tả heo châu Phi, hiện còn 2 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được địa phương chú trọng quan tâm.

Ông Trần Thanh Hoài cho biết, huyện chủ động giám sát, bảo đảm phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các mầm bệnh nguy hiểm trong môi trường. Công tác tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa dịch bệnh cũng được thực hiện đầy đủ.

Tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 404 ngàn con heo, hơn 6,8 triệu con gia cầm, gần 55.800 con trâu bò. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 10 ổ dịch tả heo châu Phi, tiêu hủy gần 300 con heo, với tổng trọng lượng hơn 10,5 tấn; 1 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu bò khiến 1 con bò chết.

Theo ông Phan Văn Trai, Phòng nghiệp vụ Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ nay đến cuối năm, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường công tác tiêm phòng, thực hiện các đợt phun xịt khử trùng tại các trang trại và hộ chăn nuôi; chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. “Ngành cũng tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; thực hiện phúc kiểm con giống nhập vào địa bàn tỉnh; sát trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, ông Trai thông tin thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.