Mở lối đi riêng gắn kết cộng đồng
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Trần Tài, ngụ xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức còn muốn đẩy mạnh phát triển cộng đồng khởi nghiệp tỉnh nhà, đưa ngành sản xuất nấm dược liệu vươn ra thế giới.
Công nhân Vinabiomush phân loại nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa. |
Gầy dựng thương hiệu nấm OCOP 4 sao
Nhận thấy công nghệ nuôi trồng nấm và đông trùng hạ thảo ở Việt Nam còn đơn sơ, nhà xưởng lắp ghép, dựa vào sức người là chính, sau khi hoàn thành chương trình cao học ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.Hồ Chí Minh năm 2019, anh Trần Tài tiếp tục qua Nhật Bản học nâng cao về quy trình và công nghệ trồng nấm và đông trùng hạ thảo.
“Quy trình trồng nấm ở Nhật là một quy trình khép kín, sử dụng công nghệ cao từ khâu trồng trọt đến chế biến. Con người chỉ tham gia 25% ở khâu thu hoạch, dán tem, nhãn mác. Tôi rất thích quy trình này nên sau khi về nước, năm 2021 tôi xây dựng công ty Vinabiomush ở quê nhà”, anh Trần Tài kể.
Anh Tài đã mạnh dạn đầu tư hơn 6 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, quy trình trồng, sản xuất nấm sinh học, nấm dược liệu theo công nghệ Nhật Bản. Bởi theo anh, thị trường nấm dược liệu bổ trợ cho sức khỏe như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo còn nhiều tiềm năng phát triển trong nước và trên thế giới.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, lại được tỉnh hỗ trợ, có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, Vinabiomush đã chủ động trong công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Anh Tài đã đăng ký và được tỉnh xét duyệt công nhận 2 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khô và trà túi lọc đông trùng hạ thảo của Vinabiomush đạt OCOP 4 sao năm 2022.
Sản phẩm của công ty không chỉ bán ở thị trường Đông Nam Bộ mà còn phát triển ra miền Trung, miền Bắc. Doanh thu năm 2022 đạt gần 9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 3 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8-9 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển cộng đồng khởi nghiệp
Thừa thắng xông lên, công ty xúc tiến liên kết với đối tác Nhật Bản nghiên cứu, chế biến ra nhiều sản phẩm mới từ đông trùng hạ thảo như: nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, nấm đông trùng hạ thảo tươi đóng hộp, yến đông trùng hạ thảo chưng, bánh quy đông trùng hạ thảo, sữa chua lên men đông trùng hạ thảo…
“Sau một thời gian bám sát thực tế, tôi nhận ra rằng, chỉ có sản phẩm được nuôi trồng và sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia độc hại…, mới thật sự bảo đảm chất lượng và mang lại nguồn thực phẩm an toàn tốt nhất cho người tiêu dùng”, anh Tài tâm sự. Đây cũng chính là định hướng chiến lược và mục tiêu lâu dài mà anh đề ra cho Vinabiomush.
Với dây chuyền sản xuất theo công nghệ Nhật Bản có công suất 1,84 tấn đông trùng hạ thảo/tháng, anh Tài đặt mục tiêu đẩy mạnh thị trường tiêu thụ ra nước ngoài, đến các nước trong khu vực như Singapore, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản,… trong năm nay. “Đối tác đã có, chỉ còn chờ “gió đông”, công ty hoàn tất việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, hoàn thiện quy trình là ký hợp đồng xuất khẩu”, anh Tài thông tin.
Hướng tới thị trường xuất khẩu, anh Trần Tài cho biết đang làm hồ sơ tiến tới đạt chứng nhận OCOP 5 sao cho 2 sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao (nấm đông trùng hạ thảo khô và trà túi lọc đông trùng hạ thảo). Song song đó là lấy chứng nhận OCOP cho các sản phẩm mới: nước ngọt đông trùng hạ thảo, bánh quy và sữa chua đông trùng hạ thảo. |
Bên cạnh đó, vì sức khỏe cộng đồng và một nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam bền vững, anh Tài còn đẩy mạnh cung cấp giống sạch ra thị trường và phát triển mảng tư vấn, thiết kế trang trại, thi công lắp đặt nhà xưởng và chuyển giao công nghệ trồng nấm dược liệu hữu cơ cho cộng đồng. Hàng tháng, anh phối hợp với Sở KH-CN, Sở NN-PTNT mở các khóa học về công nghệ sản xuất nấm dược liệu cho người mới khởi nghiệp trong cả nước.
“Trước đây, tôi được tỉnh và các cơ quan chức năng hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp nên nay cũng muốn góp chút sức thúc đẩy cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương phát triển”, anh Tài chia sẻ.
Từ các khóa đào tạo này, anh Tài cũng mở ra cơ hội hợp tác, liên kết với các DN, hộ nông dân, trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục để chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường nấm trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bài, ảnh: NGỌC MINH