NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Video clip:
Việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án, chủ động được nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án. Trong ảnh: Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, trao đổi tiến độ dự án với chủ đầu tư, đơn vị thi công. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Áp dụng nhiều cơ chế đặc thù
Ngày 25/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. Theo đó, Chính phủ cho phép Bộ GT-VT và 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, phân cấp cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh; được chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; chính sách không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trách nhiệm của nhà thầu theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ GT-VT được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư; tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Ngày 26/6/2023, Bà Rịa -Vũng Tàu bắt đầu kế hoạch rà soát bom mìn giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: NGÂN TRÀ |
Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án thành phần.
Bộ trưởng Bộ GT-VT, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Chính phủ cho phép Bộ GT-VT, UBND tỉnh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng; triển khai các thủ tục rút ngắn thời gian thực hiện các công việc chuẩn bị, thực hiện đầu tư.
Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đã rút ngắn thời gian khoảng 94 ngày trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bảo đảm tiến độ khởi công công trình và thời gian hoàn thành dự án so với hình thức đấu thầu rộng rãi.
Đối với gói thầu tư vấn khảo sát, thiết kế và lập dự toán, việc áp dụng hình thức chỉ định thầu tạo thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc chủ động lựa chọn nhà thầu đã thực hiện các gói thầu ở giai đoạn lập dự án đầu tư, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng hồ sơ và hạn chế sai sót trong công tác thiết kế.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
|
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm thúc đẩy tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Thủ tướng Chính phủ thường xuyên tổ chức họp với bộ, ngành liên quan để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp kịp thời.
Là đơn vị chủ trì, Bộ GT-VT đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tổ chức đấu thầu và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện của các nhà thầu. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết những vấn đề về giải phóng mặt bằng, đảm bảo công tác thi công không bị gián đoạn.
Các bộ, ngành liên quan cũng phối hợp để đảm bảo nguồn vốn, thẩm định và phân bổ kinh phí kịp thời cho dự án, tránh tình trạng thiếu vốn làm chậm tiến độ. Bộ Tài chính đã đề xuất các cơ chế tài chính linh hoạt, tạo điều kiện cho các DN tham gia dự án có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Bộ TN và MT tích cực tham gia vào quá trình thẩm định và cấp phép về môi trường, đảm bảo dự án được thực hiện một cách bền vững và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên.
Chủ động nguồn vật liệu xây dựng
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, căn cứ quy định, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được chia thành 27 gói thầu, trong đó có 17 gói thầu áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu với tổng trị giá hơn 2.643 tỷ đồng. Đối với gói thầu số 11 (xây lắp và thiết bị) của dự án, việc chỉ định thầu đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu theo quy định.
Những ngày đầu thi công dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ảnh: THANH NGA |
Để đáp ứng nguồn vật liệu phục vụ cho dự án, tỉnh đã chọn phương án mở 2 điểm mỏ mới nằm trong khu vực nhà nước quản lý, vừa đảm bảo nguồn cung xuyên suốt, chi phí ổn định, vừa tạo mặt bằng cho quy hoạch sản xuất nông nghiệp sau này. Đến nay, các nhà thầu đã khai thác và vận chuyển khoảng hơn 110.000m3 đất đắp và khoảng hơn 10.000m3 đá về công trường.
Để đáp ứng thời gian thi công dự án trong 2 năm, các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát thêm 3 vị trí khác ở phường Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ) với diện tích hơn 32ha; xã Đá Bạc và xã Suối Rao (huyện Châu Đức), diện tích khoảng 12,8ha. Đây là những khu vực đất có chất lượng tốt, có thể khai thác và thi công công trình ngay cả trong mùa mưa.
Theo Sở TN và MT, việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với khoáng sản làm vật liệu phục vụ thi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã góp phần đảm bảo nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhờ đó, dự án không bị vướng về nguồn vật liệu xây dựng.
NHÓM PHÓNG VIÊN
(Còn nữa)