Hòa mình vào dòng chảy công nghiệp bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực “tỷ đô”mà Bà Rịa-Vũng Tàu có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, cần thêm các chính sách tăng liên kết và đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao địa phương.
Sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Novas EZ Việt Nam (Hàn Quốc), một trong những DN sản xuất vi mạch, bo mạch lớn trên địa bàn tỉnh. |
Manh nha các dự án của ngành công nghiệp “tỷ đô”
Nhà máy của Công ty TNHH Novas EZ Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân B1 chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện như bo mạch, bảng mạch cho thiết bị điện tử và thiết bị y tế với công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Đây là nhà máy lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn hiện nay trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Novas EZ đã có nhiều khách hàng lớn, các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Huyndai, i-SENS…
Ông Jang Jae Hyun, Tổng Giám đốc Novas EZ Việt Nam cho biết: “Để đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng lớn, dây chuyền sản xuất của nhà máy được tự động hóa bằng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, qua đó, sản xuất ra các thiết bị đạt chuẩn quốc tế”.
Cùng với các DN đã hoạt động ổn định, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Mới đây, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam thuộc Tập đoàn Tripod, (Đài Loan) chính thức ký hợp đồng thuê đất tại KCN Sonadezi Châu Đức với diện tích 18ha. Đây là một trong những tập đoàn lớn trên thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm.
Tại Châu Đức, Tripod triển khai xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển ngành điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới. Đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372 ngàn m2, tương đương 1.800 tấn/năm, tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao địa phương.
Cần thêm nguồn nhân lực chất lượng cao
Với những lợi thế về vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; hạ tầng giao thông, cảng biển và các KCN được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Bà Rịa-Vũng Tàu được nhận định có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Đây cũng là lĩnh vực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc của tỉnh. Hiện nay, trong các KCN ở các địa phương có khoảng 20 nhà máy sản xuất vi mạch, bo mạch điện tử, chủ yếu của các nhà đầu tư FDI đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu phát triển đúng hướng, bán dẫn có thể trở thành một động lực mới thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh.
Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhằm thu hút thêm các dự án của các “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, tỉnh đã xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư; đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính; hỗ trợ các DN sử dụng nguyên liệu đầu vào liên kết với các DN hạ nguồn…
Để Bà Rịa-Vũng Tàu “hòa mình” vào dòng chảy phát triển công nghiệp bán dẫn của cả nước, thu hút được các dự án quy mô lớn, một đòi hỏi bắt buộc là phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn lao động.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông đã ký ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, các giải pháp trọng tậm để đạt được mục tiêu đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, gồm: hoàn thiện thể chế cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất...; đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp; huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, hợp tác công tư…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn nhanh chóng rà soát, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, HĐND tỉnh bố trí nguồn lực để hỗ trợ học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên Bà Rịa-Vũng Tàu theo học các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Bài, ảnh: QUANG VINH