Gỡ vướng để cấp đăng ký cho tàu cá 3 không

Thứ Ba, 06/08/2024, 17:11 [GMT+7]
In bài này
.

Các địa phương đang ráo riết kiểm tra đội tàu cá “3 không” trên địa bàn để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân thực hiện đăng ký, cấp giấy phép theo quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tàu cá “3 không” neo đậu ở bãi ngang bờ kè xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) chờ làm thủ tục đăng ký.
Tàu cá “3 không” neo đậu ở bãi ngang bờ kè xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) chờ làm thủ tục đăng ký.

Số lượng phát sinh mỗi ngày

Ông Hoàng Chí Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cho biết, thống kê đến thời điểm hiện tại xã có 31 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép). Trong đó có 12 tàu trên 12m đã được cán bộ xã hướng dẫn đi đăng kiểm. Các tàu còn lại từ 6m đến dưới 12m, xã đang phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra hồ sơ, đo đạc lại chiều dài,…

“Sau khi xác định phù hợp với yêu cầu theo luật định, chúng tôi sẽ hướng dẫn chủ tàu cá này chụp hình ảnh tàu và đóng lệ phí trước bạ là hoàn tất thủ tục đăng ký cho tàu cá. Sau đó, Chi cục Thủy sản sẽ xét duyệt hồ sơ và cấp sổ, giấy phép khai thác nếu đạt yêu cầu”, ông Dân thông tin.

Xuyên Mộc là một trong những địa phương có số lượng tàu cá “3 không” nhiều nhất tỉnh với 470 tàu từ 6-15m, trong đó có 5 tàu trên 12m được hướng dẫn đi đăng kiểm. 465 tàu còn lại Chi cục Thủy sản phối hợp cùng địa phương rà soát, chụp hình, kiểm tra thực tế phát hiện 50 tàu đang khai thác nghề cấm nên không được đăng ký và kiểm tra đo đạc kỹ thuật được 128 tàu.

“Các tàu hành nghề giã cào (lưới kéo), rập, xếp thuộc nghề cấm nên theo luật định sẽ không được đăng ký. Tàu thay máy thủy bằng máy bộ không đăng kiểm được, theo quy định cũng không được đăng ký”, ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết.

Xuyên Mộc cũng là địa phương có tiến độ kiểm tra, đo đạc lại tàu cá “3 không” cao nhất tỉnh, đạt tỷ lệ 41%. Các địa phương khác còn chậm, chỉ đạt được tỷ lệ từ 4-15%.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, tiến độ thực hiện ở huyện chưa theo đúng kế hoạch, nguyên nhân do số lượng tàu cá “3 không” ngư dân lên xã, huyện khai báo phát sinh mỗi ngày.

“Do ngư dân đi đánh bắt ngoài tỉnh hoặc khai thác dài ngày mới nắm bắt được thông tin nên chạy về địa phương đăng ký”, ông Dũng  giải thích. Huyện Đất Đỏ đến thời điểm hiện tại thống kê có 301 tàu cá “3 không” từ 6-15m. Chi cục Thủy sản phối hợp địa phương mới kiểm tra lại kỹ thuật được 21 tàu, đạt tỷ lệ 7%.

Theo Chi cục Thủy sản, sau khi kiểm tra thực tế, đến cuối tháng 7/2024, toàn tỉnh phát sinh thêm 99 tàu cá “3 không”, nâng tổng số tàu cá chưa đăng ký lên 1.140 tàu. Trong đó, Chi cục Thủy sản đã tiến hành kiểm tra kỹ thuật, đo đạc lại được 257 tàu, chiếm tỷ lệ 22,5%.

Còn nhiều vướng mắc

Bên cạnh việc phát sinh khai báo mới, các huyện còn gặp vấn đề về vùng đánh bắt của một số tàu cá có ngành nghề khai thác đặc thù.

Ông Nguyễn Hoàng Như Lâm (khu phố Phước An, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho biết, ông có tàu cá hành nghề lưới rê ghẹ, mực có vùng khai thác ở vùng lộng. Tuy nhiên do tàu có chiều dài trên 15m nên theo luật định chỉ được đăng ký giấy phép đánh bắt vùng khơi.

“Tàu dài 15,5m nhưng khá thô sơ, bề ngang hơn 2m, chiều cao 1,5m, không an toàn khi đi đánh bắt xa bờ và tôi cũng không có đủ kinh nghiệm. Trước đây quy định vùng đánh bắt theo công suất tàu cá, nhưng Luật Thủy sản năm 2017 lại chuyển đổi theo chiều dài. Tôi có hỏi cán bộ UBND huyện xin cải hoán tàu cá xuống dưới 15m nhưng cũng vướng quy định không thực hiện được”, ông Lâm trình bày.

Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian qua, một số ngư dân ở 2 huyện Đất Đỏ và Long Điền có đến cơ quan chức năng kiến nghị cho tàu trên 15m khai thác ở vùng khơi được đánh bắt ở vùng lộng do ngành nghề khai thác đặc thù, chỉ có ở vùng lộng.

Bên cạnh đó, các tàu cá này cũng không đảm bảo an toàn khi ra khơi do là xuồng, xỏng thô sơ, có chiều dài từ 15-16m, nhưng chiều rộng lớn nhất chỉ từ 3-4m, chiều cao từ 1-2m và công suất dưới 400CV, khai thác nghề lưới vây, lưới rê, lưới rê ghẹ, lưới cá đổng, bẫy mực… đánh bắt hải sản chủ yếu ở vùng lộng. Thời gian chuyến biển đi về trong ngày hoặc từ 2-5 ngày.

Các tàu cá này không thể đi đánh bắt hải sản ở vùng khơi, do điều kiện sóng gió, nếu đánh bắt vùng khơi sẽ không đảm bảo an toàn cho phương tiện và ngư dân. Biện pháp tốt nhất là cho ngư dân cải hoán tàu cá xuống dưới 15m nhưng quy định hiện nay của UBND tỉnh chỉ cho phép cải hoán tàu cá lên trên 15m.

“Chính vì thế, huyện kiến nghị UBND xem xét bổ sung Quyết định 25 ban hành ngày 12/9/2019 cho phép cải hoán tàu cá từ lớn xuống nhỏ hơn 15m đi đánh bắt vùng lộng”, ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ đề xuất.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT thống kê số lượng tàu cá có ngành nghề đặc thù nói trên và phối hợp cùng Sở Tư pháp kiểm tra thủ tục, tham mưu UBND tỉnh làm báo cáo kiến nghị Bộ NN-PTNT sửa đổi quy định về cải hoán tàu cá.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.