Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có rất ít cơ sở chăn nuôi được di dời ra khỏi khu dân cư theo quy định. Hoạt động của các cơ sở chưa di dời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống người dân xung quanh.
Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một hộ nuôi gà nằm trong vùng không được phép chăn nuôi thuộc TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. |
Sống chung với ô nhiễm từ chăn nuôi
Để triển khai Luật Chăn nuôi, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến; chính sách hỗ trợ di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi trong vùng không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là NQ14). Thế nhưng đến thời điểm này, “công cuộc” di dời của ngành chăn nuôi vẫn còn gian nan.
Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi heo, bò trong khu dân cư. Đơn cử, tại TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức, hộ bà Dương Thị Hằng, KP.Vinh Thanh nuôi 22 con bò, trong khi xung quanh có vài chục hộ gia đình sinh sống. Ngay từ đầu đường vào, mùi phân bò bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến ai ngang qua cũng cảm thấy khó chịu. Khi chúng tôi hỏi: “Nuôi bò trong khu dân cư chưa bảo đảm vệ sinh như vầy, hàng xóm không phản ứng sao?” thì bà chống chế: “Tui nuôi mấy chục năm rồi có ai nói gì đâu!”.
Tại ấp Nam, xã Long Phước, TP.Bà Rịa, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyến cũng chăn nuôi heo ngay trong khu dân cư và cạnh trạm y tế, trường mầm non. Người dân nơi đây cho biết, dù có vệ sinh, dọn dẹp chuồng trại nhưng mùi đặc trưng của hoạt động chăn nuôi heo vẫn bay theo gió và ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhất là trường mầm non.
Có thể thấy, trong quá trình chăn nuôi, hầu hết các hộ gia đình chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều cơ sở chăn nuôi chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải. Nhiều cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải còn sơ sài, mang tính đối phó nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Nhức óc với chim yến
Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đã khảo sát thực tế tại các nhà nuôi chim yến. Qua khảo sát tại địa bàn TP.Bà Rịa cho thấy, dọc các con đường như Phạm Hữu Chí, Lý Tự Trọng, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai… (thuộc phường Phước Trung) là khu dân cư, nhà nghỉ. Tuy nhiên, nằm xen kẽ trong các dãy nhà liên kế này có 32 căn của 23 hộ được sử dụng làm nhà yến. Tại thời điểm khảo sát, một số nhà yến đang mở loa phát thanh dẫn dụ yến.
Người dân sống tại khu vực này cho biết, các nhà nuôi yến thường xuyên gây tiếng ồn. Yến bay về thành đàn, phát ra âm thanh ồn ào, cộng thêm âm thanh từ loa dụ chim yến khiến hàng xóm nhức đầu, mệt mỏi. Không chỉ vậy, phân chim yến bám đầy tường nhà, nóc nhà gây mùi hôi khó chịu. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng người nuôi yến chỉ tắt loa được vài ngày rồi mở lại.
Theo NQ14, đến ngày 31/12/2024 sẽ có 5.265 cơ sở chăn nuôi của tỉnh nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động và 293 nhà yến nằm trong vùng không được phép chăn nuôi sẽ không được cơi nới, sử dụng loa phóng thanh. Việc làm này nhằm sắp xếp lại khu vực chăn nuôi và xử lý triệt để những trang trại gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư do hoạt động chăn nuôi gây ra. |
Tại huyện Xuyên Mộc, nhà nuôi chim yến của gia đình ông Trần Nam Nghĩa, ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc gần khu dân cư có diện tích khoảng 400m2. Loa dẫn dụ yến phát thường xuyên, gây tiếng ồn khiến người dân sống xung quanh khó chịu.
Ông Trần Nam Nghĩa cho biết, khi được địa phương tuyên truyền về thực hiện NQ14, ông đã chủ động giảm âm lượng loa dẫn dụ yến và chỉ mở trong khung giờ 6h-11h và từ 13h-17h. “Nếu phải tắt loa dẫn dụ sẽ ảnh hưởng đến lượng yến về nhà, làm giảm sản lượng, trong khi chi phí đầu tư làm nhà yến lớn”, ông Nghĩa phân bua.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU