Ở thời điểm này, một số DN thuộc Petrovietnam đã hoàn thành hơn 90% lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2024. Làm ăn hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các DN thành viên tiếp tục đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước.
Mặt hàng urê xuất khẩu của PVFCCo được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao do đáp ứng được các tiêu chuẩn đặc thù, khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Trong ảnh: PVFCCo giao hàng xuất khẩu cho khách. |
Tăng trưởng ấn tượng
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024, cho thấy bức tranh kinh doanh của Đạm Phú Mỹ đang rất khả quan. Kết quả này cũng phản ánh rõ nét sự hồi phục mạnh mẽ của ngành phân bón Việt Nam. Chỉ sau nửa năm, PVFCCo đã thực hiện 93% kế hoạch lãi của năm 2024. Cụ thể, PVFCCo ghi nhận doanh thu 7,255 tỷ đồng và lãi ròng 495 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 37% so với cùng kỳ.
Không chỉ tăng trưởng về kết quả kinh doanh, Đạm Phú Mỹ còn ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ về sản lượng. Sản xuất phân bón và hóa chất đạt khoảng 553 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ cũng vượt kế hoạch và tăng trưởng từ 5-20%. Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu urê đạt gần 100 ngàn tấn, tăng 50% so với cùng kỳ, trong khi giá xuất khẩu urê bình quân cũng tăng hơn 8%.
Lãnh PVFCCo thông tin, có được sự tăng trưởng tốt trong tiêu thụ như trên là do PVFCCo duy trì nhịp sản xuất an toàn, ổn định cũng như liên tục mở rộng thành công các sản phẩm, thị trường mới. PVFCCo đã tích cực phát triển thêm các dòng sản phẩm NPK mới, tiêu biểu là dòng NPK Phú Mỹ 20-10-10+TE chuyên dùng cho mía đường, cây ăn trái… Đặc biệt, mặt hàng urê xuất khẩu của PVFCCo được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao do đáp ứng được các tiêu chuẩn đặc thù, khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và linh hoạt đáp ứng thời gian giao hàng.
Trong khi đó, tại Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) trong nửa đầu năm nay cũng đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch quản trị được Petrovietnam giao. Trong đó, doanh thu toàn Tổng công ty tăng 12% so với cùng kỳ và xếp thứ 2 trong Tập đoàn; Lợi nhuận trước thuế đạt 129% kế hoạch quản trị 6 tháng và xếp thứ 3 trong Tập đoàn.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, PV GAS đã nhập 4 chuyến LNG để cung cấp cho sản xuất điện trong cao điểm mùa khô, góp phần bù đắp sản lượng khí nội địa đang sụt giảm nhanh. Sản lượng kinh doanh LPG hoàn thành ở mức cao nhất kể từ trước đến nay, tăng 38% so với cùng kỳ. Doanh thu từ kinh doanh LPG cán mốc 1 tỷ USD, tăng gần 9 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu và kinh doanh quốc tế đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng góp phần bù cho doanh thu sụt giảm từ nguồn khí nội địa…
Một số đơn vị khác như: Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)… cũng đã hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Hoàn thành 2 chỉ tiêu: lợi nhuận và nộp ngân sách
Năm 2024 được Petrovietnam xác định là năm then chốt, cần tăng tốc và bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính vì vậy, ngay trong những tháng đầu của năm 2024, Petrovietnam đã quyết tâm triển khai các nhiệm vụ trọng tâm cùng với các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra.
Ngoại trừ chỉ tiêu sản xuất điện (đạt 95,9%) do yếu tố khách quan, tất cả các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu còn lại đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng từ 2,7 - 33,1% và tăng 1,4-21,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 đạt 482,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15%. Nộp ngân sách 71,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cho biết, hiện nay, 10/12 chỉ tiêu theo kế hoạch 5 năm của tập đoàn đã được hoàn thành, đặc biệt là 2 chỉ tiêu rất quan trọng là lợi nhuận và nộp ngân sách.
Báo cáo từ Cục Thuế tỉnh cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, số thu từ dầu khí tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Với số thu gần 16.700 tỷ đồng, thu ngân sách Nhà nước từ dầu khí đạt 66,5% dự toán pháp lệnh và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bài, ảnh: PHAN HÀ