Đề xuất ưu đãi đối với chuyển đổi xanh lĩnh vực giao thông

Thứ Tư, 21/08/2024, 18:36 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư” do Bộ GT-VT tổ chức ngày 21/8.

EU cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng.
EU cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng.

Thách thức lớn về nguồn vốn

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng thách thức lớn nhất của DN trong quá trình chuyển đổi xanh là vấn đề nguồn vốn. Khi phát triển sản xuất, đầu tư trang thiết bị, DN cần phải cân đối giữa hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường.

Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó Ban chỉ đạo cảng xanh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, tất cả các trang thiết bị dùng dầu diesel trong cẩu và ô tô đã chuyển gần hết sang dùng điện. Động cơ ô tô cũ thời kỳ đầu của Nga được nâng lên đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5. DN cũng đã lắp đặt trên 400.000m2 pin mặt trời, công suất khoảng 80MW điện mặt trời. Phần lớn hoạt động vận tải đường bộ nội bộ được chuyển sang vận tải đường thủy.

Tân Cảng cũng đang thí điểm xây dựng bộ tiêu chí về cảng xanh để báo cáo Chính phủ, từ đó dự kiến chuẩn hóa, áp dụng cho toàn hệ thống cảng biển vào năm 2025.

Một số dự án khi chuyển đổi xanh, dùng trang thiết bị tự động hóa chạy điện một phần hoặc toàn phần thì chi phí tăng lên gần gấp 3 lần so với ban đầu, từ 11-12 ngàn tỷ đồng lên 30 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ, các quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh của quốc tế hiện cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Khi tiếp cận được thì đã muộn hoặc không đủ điều kiện thực hiện.

Do đó, các DN trong nhóm ngành quản lý, khai thác cảng đề xuất Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, luật hóa việc chuyển đổi xanh trong các dự án mới, dự án đầu tư trang thiết bị để chuyển đổi hạ tầng giao thông. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có những ưu đãi thực chất, kịp thời về miễn, giảm thuế và các hỗ trợ tài chính khác cho DN để chuyển đổi xanh.

Cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanh

Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời, Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông vào năm 2050. EU cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết với các đối tác phù hợp của Việt Nam.

Tương tự, ông Jin Saeun, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Hợp tác và phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tại Hà Nội khẳng định, EDCF và Hàn Quốc cam kết hỗ trợ hết mình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến phát triển giao thông xanh, bà Renée Deschamps, Quyền Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, để giảm phát thải trong ngành giao thông, Chính phủ đã đưa ra các chính sách khuyến khích người dân, DN sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện; cam kết đầu tư 500 triệu USD để xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt chú trọng chuyển đổi sang sử dụng xe điện.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 2/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành GT-VT, với mục tiêu phát triển hệ thống GT-VT xanh, nhằm đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. 

Để thực hiện cam kết trên, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về vấn đề tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng vào Việt Nam sao cho phù hợp với đặc thù trong nước và đặc thù của từng lĩnh vực.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.