Chiều 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội khảo sát việc vay vốn của hộ anh Đào Văn Hoàng (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức). |
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hơn 733 ngàn tỷ đồng cho vay tín dụng chính sách xã hội
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 và 3 năm thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống.
Trong 10 năm qua, cả nước đã huy động được 238.338 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt 373.010 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị, bình quân tăng trưởng nguồn vốn hàng năm đạt 10,8%.
Với nguồn lực lớn được huy động, tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ hơn 21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 733.152 tỷ đồng, góp phần mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, giúp đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Trong đó, nổi bật là giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng hơn 4.599 tỷ đồng/80.341 khách hàng, tăng 306 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 7,1% so với đầu năm, hoàn thành 100% kế hoạch dư nợ.
Thực hiện Chỉ thị 40 CT/TW, Kết luận 06-KL/TW và Quyết định 1630/QĐ-TTg, từ đầu năm 2024 đến nay, có 8/8 đơn vị cấp huyện đã kịp thời tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách sang NHCSXH số tiền 16 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt gần 1.789 tỷ đồng, tăng 176,6 tỷ đồng so với đầu năm và tăng hơn 1.619 tỷ đồng kể từ khi triển khai Chỉ thị số 40.
“Trụ cột” trong giảm nghèo
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của NHCSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 40 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Một số chính sách tín dụng, mặc dù có điều chỉnh nâng mức cho vay nhưng việc triển khai còn chậm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững; chủ động báo cáo, tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối, cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện chính sách tín dụng mới được ban hành, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho NHCSXH.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói 30 ngàn tỷ đồng (cho vay mua, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội) giao cho NHCSXH thực hiện. Trong đó, 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.
NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.
Bài, ảnh: PHAN HÀ