Vợ chồng Việt kiều nặng lòng với sản phẩm quê hương

Thứ Sáu, 26/07/2024, 15:27 [GMT+7]
In bài này
.

Ở cái tuổi lẽ ra có thể nghỉ hưu từ lâu nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Đức (Michael Nguyen) và bà Lê Thị Tuyết Nhung (Jennifer Nguyen), Việt kiều Mỹ vẫn trăn trở ước mơ đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam xuất ngoại vào thị trường Mỹ. Sau thành công của thương hiệu cà phê Nón Lá, ông bà đang xúc tiến đưa thương hiệu rượu Chu Hải Spirit vào thị trường khó tính này.

Ông Nguyễn Văn Đức trong buổi giới thiệu sản phẩm rượu Chu Hải Spirit. Ảnh: TÍ HON Media
Ông Nguyễn Văn Đức trong buổi giới thiệu sản phẩm rượu Chu Hải Spirit. Ảnh: TÝ HON Media.

Từ cà phê Nón Lá

Sinh ra và lớn lên tại Chu Hải, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ, năm 1981, vợ chồng ông sang California, Mỹ để học tập và khởi nghiệp từ việc bán hàng ăn uống, sau đó đầu tư bất động sản rồi mở dịch vụ catering (cung cấp các loại hình dịch vụ tại nơi theo yêu cầu của khách hàng).

Kinh doanh phát đạt, ông bà vẫn đau đáu hướng về quê hương, với ý nguyện phải làm gì đó để đóng góp, dựng xây quê hương. “Tôi chưa thấy thương hiệu cà phê nào của Việt Nam ở Mỹ, ngoại trừ cà phê hòa tan Trung Nguyên được bày bán ở các chợ của người Việt. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Vậy là thương hiệu cà phê Nón Lá ra đời vào năm 2016”, ông Đức chia sẻ.

Nguyên liệu cà phê của Việt Nam và hình ảnh chiếc nón lá - biểu tượng cho văn hóa và tâm hồn người Việt đã đến Mỹ trong thương hiệu cà phê Nón Lá, thỏa vị giác của người ghiền cà phê California và nhiều tiểu bang khác của Mỹ. Cà phê Nón Lá cũng trở thành sản phẩm OCOP của Bà Rịa-Vũng Tàu và được ưa chuộng tại thị trường trong nước.

Công việc sản xuất và kinh doanh cà phê Nón Lá đang thuận lợi thì cả hai ông bà cùng mắc bệnh hiểm nghèo vào năm 2020. Vợ chồng ông đành giao lại cho người em họ đảm nhận việc kinh doanh để sang Mỹ chữa bệnh. Sau gần 3 năm điều trị, bệnh tình của ông bà đã khỏi hẳn.

Thông thường, sau cơn bạo bệnh, lại ở tuổi gần 70, nhiều người sẽ chọn cách nghỉ ngơi để bảo vệ sức khỏe và dưỡng già, nhưng vợ chồng ông Đức không đi theo con đường ấy. “Ơn trên cho vợ chồng tôi vượt qua cơn bạo bệnh và khỏe mạnh trở lại. Chúng tôi nghĩ phải làm gì đó có ích, cụ thể là tạo ra giá trị, có nguồn tài chính để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn như một cách để cảm ơn cuộc đời”, bà Tuyết Nhung chia sẻ.

Đến rượu Chu Hải Spirit

Và rồi, ý tưởng kinh doanh mới đầy táo bạo đã lóe lên trong đầu của họ: xây dựng thương hiệu rượu gắn với nơi chôn nhau cắt rốn của mình - Chu Hải - một làng quê ở TX.Phú Mỹ để phục vụ thị trường trong nước và xa hơn nữa là xuất khẩu vào Mỹ. Ông bà đang sinh sống ở vùng sản xuất rượu lớn của Mỹ là Sonoma Napa. Vì vậy, khi có ý định sản xuất rượu, ông bà đã tìm hiểu phương thức làm rượu của người dân nơi đây, sự khác biệt của các loại rượu, trò chuyện với những người thợ nấu rượu giàu kinh nghiệm để nắm bắt chi tiết về cách thức nấu. Có đầy đủ kiến thức, năm 2022, ông bà trở về quê hương bắt tay xây dựng cơ sở sản xuất rượu với thương hiệu Chu Hải Spirit.

Để sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, được thị trường chấp nhận, ông phải trải qua quá trình thử nghiệm, điều chỉnh khoảng 6 tháng. Sau đó, ông gửi sản phẩm ra Hà Nội, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh nhờ kiểm nghiệm chất lượng. Sau khi sản phẩm đạt yêu cầu, ông lại đưa qua Mỹ xin kiểm nghiệm và đã được cơ quan kiểm soát rượu của Mỹ cấp giấy phép nhập khẩu từ ngày 14/8/2023.

Sản phẩm thành công, ông mang tặng bạn bè, người thân trong, ngoài nước và nhận về đánh giá tốt: rượu đậm đà, thơm ngon không thua kém các dòng rượu danh tiếng Whisky, Chivas, Johnnie Walker… nhưng giá bán chỉ bằng khoảng 1/3-1/2 so với các sản phẩm này.

Trong buổi ra mắt sản phẩm rượu Chu Hải Spirit mới đây được tổ chức ở khách sạn Palace Vũng Tàu, ông Thái Hồng Cương, Giám đốc Chi nhánh BRG tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã đưa sản phẩm này vào hệ thống nhà hàng, khách sạn của OSC Việt Nam (thuộc tập đoàn BRG) để phục vụ và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Rượu Chu Hải Spirit được nấu theo phương pháp cách thủy, chưng cất 2 đến 3 lần. Gạo nếp lứt là nhiên liệu chính. Nước dùng để nấu rượu phải được lọc thành nước tinh khiết. Rượu sau khi nấu được đựng trong thùng gỗ sồi từ 1-2 năm để tạo mùi thơm, lên màu và khử chất methanol, aldehyde. Sản phẩm cũng được đóng trong chai và bao bì sang trọng, không khác gì các dòng nhập ngoại đắt đỏ.

“Chất lượng đậm đà, mùi thơm, màu vàng sánh, uống vào êm, không có phản ứng phụ như: khát nước, nhức đầu, mệt, hơi thở có mùi khó chịu. Chúng tôi đã yêu cầu hệ thống nhà hàng, khách sạn của OSC Việt Nam giới thiệu sản phẩm này đến với khách hàng để ủng hộ sản phẩm OCOP của địa phương”, ông Thái Hồng Cương khẳng định.

Theo ông Đức, hiện tại quy mô sản xuất của nhà máy tại 207 Chu Hải, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ còn nhỏ, công suất tối đa khoảng 7.500 - 10.000 lít/tháng. Vợ chồng ông mong muốn sản phẩm sớm được thị trường đón nhận và sẽ có mặt tại các cửa hàng, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, kênh phân phối trong và ngoài nước để Chu Hải Spirit trở thành quà lưu niệm của khách du lịch, quà tặng.

“Chúng tôi không giàu cũng chẳng nghèo. Nhưng xã hội thì còn nhiều người khó khăn, thiếu may mắn hơn mình và họ đang chật vật kiếm sống. Nhiều em nhỏ còn khó khăn, không được tới trường mà phải đi lao động sớm để phụ giúp gia đình. Vì vậy, tôi muốn dùng lợi nhuận thu được từ Chu Hải Spirit để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn này”, ông Nguyễn Văn Đức dự tính.

HỒNG CƯƠNG - ĐỨC NGUYÊN

;
.