Trồng dâu, nuôi tằm cho thu nhập ổn định

Chủ Nhật, 14/07/2024, 16:55 [GMT+7]
In bài này
.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp nhiều nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) có thu nhập ổn định.

Ông Võ Phú Thạnh có thu nhập khá từ trồng dâu, nuôi tằm và hiện đang tiếp tục nhân rộng diện tích vườn dâu.
Ông Võ Phú Thạnh có thu nhập khá từ trồng dâu, nuôi tằm và hiện đang tiếp tục nhân rộng diện tích vườn dâu.

Dù đã có việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh nhưng ông Võ Phú Thạnh (ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) vẫn quyết định về quê làm nông nghiệp. Thay vì trồng nhãn, cà phê, tiêu như phần lớn người dân quanh vùng, ông Thạnh mày mò, học hỏi để phát triển kinh tế bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Đầu năm 2023, ông Thạnh đầu tư hệ thống tưới béc phun, trồng 1ha dâu dâu và làm 1 nhà nuôi tằm diện tích khoảng 150m2. Cây dâu khá thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng trong vùng nên sinh trưởng và phát triển tốt, sau khi trồng hơn 4 tháng là có thể thu hoạch lá. “Mỗi tháng nuôi 2 lứa tằm, mỗi lứa nuôi 2 hộp giống (10g trứng/hộp), đã được ấp nở tằm con. Thức ăn của tằm chỉ lá dâu sạch, dâu trồng không được phun thuốc BVTV, bón phân hữu cơ, cây dâu có thể thu hoạch tới 10 năm mới trồng lại. Sau 15 ngày nuôi, tôi thu hoạch khoảng 150kg kén, với giá bán bán hiện nay từ 150-180 ngàn đồng/kg, lợi nhuận hơn 25 triệu đồng/tháng”, ông Thạnh vui vẻ nói.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Đông Hội (ở ấp Phú Sơn) đã chuyển đổi 5 sào đất trồng mì sang trồng dâu, nuôi tằm. Cũng theo ông Hội, nghề trồng dâu, nuôi tằm không khó, thỉnh thoảng phun xịt sâu bệnh và bón phân chuồng là cây dâu phát triển tốt. Tính ra 1 công lao động vừa trồng dâu, vừa nuôi tằm sẽ có thu nhập gần 3 triệu đồng/sào/tháng, cao hơn nhiều so với trồng bắp, trồng mì.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển trên địa bàn xã Hòa Hiệp khoảng 2 năm trở lại đây. Nhận thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm có triển vọng, ông Võ Phú Thạnh đã cùng với Hội Nông dân xã vận động, khuyến khích các hộ nuôi liên kết thành lập Tổ hợp tác để có sản lượng ổn định xuất bán cho các thương lái, cho lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Lê Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, trước đây trên địa bàn xã chỉ có vài hộ trồng dâu, nuôi tằm với quy mô nhỏ. Đến nay, toàn xã đã có 25 hộ trồng dâu, trong đó 20 hộ đã có thu nhập từ nghề này. So với nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng dâu thấp, nuôi tằm nhanh cho thu hoạch, giá kén tương đối ổn định nên nghề trồng dâu nuôi tằm được đánh giá là hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, khó khăn của nghề trồng dâu nuôi tằm là trên địa bàn chưa có trại ấp trứng tằm, kho lạnh bảo quản. Chính điều này khiến việc tiêu thụ kén phải qua khâu trung gian, bị ép giá, làm giảm lợi nhuận của người nông dân.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, từ Quỹ HTND để phát triển sản xuất; hỗ trợ liên kết với các DN ký hợp đồng tiêu thụ kén lâu dài để bà con yên tâm đầu tư mở rộng quy mô nuôi”, ông Tuấn chia sẻ.

Bài, ảnh: PHONG VŨ

 
;
.