Phân loại rác - Phải chuẩn từ nguồn - Kỳ 2: Đầu tư đồng bộ từ đầu đến cuối nguồn
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) được người dân, DN cũng như các cơ quan, đơn vị ủng hộ và thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về hiệu quả khi đầu nguồn phân loại nhưng cuối nguồn lại nhập chung.
Rác thải sinh hoạt sau khi thu gom được đưa về bãi trung chuyển TP.Vũng Tàu trước khi chuyển về Công ty TNHH Kbec Vina để xử lý. |
Cuối nguồn còn chưa thông
Theo quy định của UBND tỉnh yêu cầu chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 loại: chất thải thực phẩm; chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng; CTRSH khác. Các loại chất thải trên sau khi được phân loại phải được chứa đựng trong các bao bì theo quy định và được lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị xử lý.
Ghi nhận từ thực tế thời gian qua cho thấy, việc PLRTN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Rác sau khi phân loại tại chung cư Gold Sea (TP.Vũng Tàu). |
Chẳng hạn đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường về thời hạn 1/1/2025, PLRTN đúng yêu cầu kỹ thuật không đơn giản đối với cộng đồng, bản thân chất thải trên thực tế rất đa dạng, không dễ phân biệt, phân loại.
Tuy nhiên, trên thực tế tại các hộ gia đình, khu dân cư đang thực hiện thí điểm PLRTN hiện nay vẫn chưa thực hiện được chuẩn như quy định. Đa số mới dừng lại ở việc phân loại rác tái chế.
Đặc biệt, với người dân, PLRTN còn chưa thật sự tạo được sự đồng thuận lớn bởi đầu nguồn đã sẵn sàng nhưng cuối nguồn chưa thông.
Điểm tiếp nhận rác thải sinh hoạt tại Công ty TNHH Kbec Vina. |
Ông Lê Văn Mỹ (TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho biết, khoảng 3 tháng nay, gia đình ông đã PLRTN theo 3 loại như hướng dẫn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, mỗi lần xe thu gom đến lấy rác ông vẫn băn khoăn bởi không có phương tiện chuyên dụng để thu gom nên tất cả các loại rác đã phân loại lại đổ chung vào một xe.
Đó là chưa kể, rác sau khi thu gom được đưa về Công ty TNHH Kbec Vina để xử lý cũng chỉ bằng giải pháp là gom tất cả vào chôn lấp một chỗ. “Như vậy, việc PLRTN của người dân trở thành vô nghĩa”, ông Mỹ trăn trở.
Theo ông Trần Thượng Thọ, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng để tiến tới quy định áp dụng thực hiện PLRTN trên cả nước, từ tháng 8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH và không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định thì bị phạt tiền từ 500-1 triệu đồng.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về việc thu gom, vận chuyển chất CTRSH, cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định. Đồng thời, đơn vị thu gom phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải nhựa xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; 98% tổng lượng CTRSH ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn.
Đối với các huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn bằng hoặc hơn 40%. Đối với các xã nông thôn mới, tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý theo quy định đạt hơn 90%, đối với các xã nông thôn mới nâng cao thì đạt hơn hoặc bằng 98%…
Giai đoạn đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa mục tiêu tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn khu đô thị, nông thôn trên địa bàn đạt hơn 50%.
Thế nhưng, để mục tiêu trở thành hiện thực còn là một quá trình dài với sự cần thiết vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đầu tư đồng bộ hạ tầng từ thu gom, vận chuyển đến xử lý đầu cuối.
Phải trở thành thói quen
Theo Sở TN-MT, để tiến tới PLRTN trên toàn địa bàn tỉnh, ngoài việc tập trung nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong công tác quản lý chất thải rắn, tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Song song đó, tỉnh cũng tập trung phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn, hội cùng giám sát việc thực hiện PLRTN; xử phạt các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không PLRTN. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý CTRSH; đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại chất thải rắn đã được phân loại, để đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.
Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, thúc đẩy triển khai dự án nhà máy xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với công suất 1.000 tấn/ngày và dự án nhà máy đốt rác sinh hoạt huyện Côn Đảo.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý chất thải rắn bảo đảm thống nhất một đầu mối quản lý; thành lập Phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở TN-MT; rà soát, khắc phục sự chồng chéo, bất cập hệ thống tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải rắn…
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), chủ nhiệm Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030” cũng khẳng định, để việc PLRTN đạt hiệu quả thì đầu tư vào hạ tầng là rất quan trọng.
Trong đó cần phải có phương tiện thu gom, lên lịch cụ thể từng thời gian, địa điểm sẽ tiến hành thu gom đối với từng loại rác thải, kết hợp cùng các hình thức răn đe, xử phạt đối với hành vi không PLRTN và tuyên truyền trực tiếp bằng các công cụ truyền thông đến các khu dân cư.
Bên cạnh đó, cũng cần phải chuẩn hóa lực lượng và phương tiện thu gom rác. Đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, đồng bộ về con người, năng lực quản lý, xử lý. Đồng thời, phải tổ chức tuyên truyền cho tất cả người dân hưởng ứng phong trào PLRTN theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng thì việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý hay DN hiểu PLRTN phải trở thành thói quen là điều quan trọng và cần thiết.
Bài, ảnh: QUANG VŨ