Phân loại rác - Phải chuẩn từ nguồn - Kỳ 1: Phân loại tốt sẽ giảm áp lực xử lý rác
Theo tính toán sơ bộ, nếu tiến hành thành công việc phân loại rác, áp lực phải xử lý rác thải tập trung có thể giảm xuống còn khoảng 40% so với tổng lượng rác ban đầu.
Phường Thắng Nhì trao tặng thùng rác phân loại cho các hộ dân trên đường Hoàng Việt để thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn. |
Thí điểm phân loại rác
10 giờ sáng, khu thu gom rác nằm ở tầng hầm chung cư The Sóng (đường Thi Sách, TP.Vũng Tàu) bắt đầu có đợt rác đầu tiên từ các căn hộ đưa xuống trong ngày. Đây là lượng rác đã được phân loại cơ bản tại các căn hộ ở chung cư này. Công nhân môi trường tiếp nhận và phân loại ngay trong căn phòng ở tầng hầm.
Chai nhựa, ly nhựa, can nhựa để riêng vào 1 khu vực. Các loại vỏ xi măng được đưa vào một khu vực khác. Bìa cứng, giấy gom thành một nhóm riêng. Các loại thủy tinh để một túi. Còn lại các loại rác không có khả năng tái chế, tái sử dụng được gom để giao cho công ty môi trường xử lý…
Phân loại xong, từng bao lớn đựng rác tái chế như đồ nhựa, giấy… được gom bán cho các điểm thu mua ve chai. Bao xi măng sẽ chuyển cho một đơn vị tái chế hạt tại Đồng Nai. Cơm thừa, canh cặn công nhân liên hệ với các cơ sở chăn nuôi đến lấy.
Cũng với cách phân loại như vậy, tại chung cư Gold Sea (Hoàng Hoa Thám, TP.Vũng Tàu), các loại rác sau khi phân loại được công ty môi trường giao ngay cho các đơn vị xử lý. Toàn bộ khu vực thu gom rác trả lại sạch sẽ chỉ trong buổi sáng.
Công nhân thực hiện phân loại rác tại nguồn tại chung cư The Sóng |
Theo ban quản lý chung cư, công tác phân loại rác tại nguồn này đã được chung cư thực hiện cách đây 2 năm. Việc thực hiện phân loại rác không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn giúp tận dụng tối đa các loại rác có khả năng tái chế, tái sử dụng.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vệ sinh môi trường Hải Hà (41/4 Phạm Văn Dinh, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cho biết, đơn vị đang thực hiện phân loại rác tại nguồn cho nhiều chung cư, nhà cao tầng, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
“Qua phân loại, chúng tôi ước tính có khoảng 55% rác tái chế, 2% rác hữu cơ, 3% rác công nghiệp… Như vậy, sau khi phân loại, lượng rác còn lại đến đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina (TX.Phú Mỹ) chỉ còn khoảng 40% so với ban đầu”, ông Hùng nói.
Hoạt động phân loại rác tại nguồn đã được nhiều tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai. Cụ thể, từ đầu năm học 2023-2024, nhiều trường học đã bắt đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Trường TH Long Sơn 1, Long Sơn 2 là 2 trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn (triển khai từ năm 2020). Hơn 2 tấn rác tái chế đã được các trường thu gom và thực hiện chương trình đổi rác tái chế lấy quà với tên gọi Green Day.
Từ đầu năm 2024, Tại cơ quan Sở TN-MT cũng đã đầu tư hệ thống thùng rác phân loại rác tại nguồn, mỗi hệ thống gồm 4 thùng chứa.
Thùng màu xanh lá cây đựng chất thải thực phẩm. Thùng màu xanh dương đựng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế. Thùng màu vàng chứa chất thải nguy hại. Thùng màu xám đựng chất thải khác còn lại.
Người dân phường 7 phân loại rác tái chế để gây quỹ BHYT cho người nghèo. |
Hàng ngày từ 15-16h00, nhân viên phục vụ sẽ thu gom rác xuống tầng trệt và chuyển giao cho cơ sở dịch vụ thu gom rác (Ban quản lý Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh hợp đồng thu gom).
Ngoài ra, Sở TN-MT cũng quy định, nhân viên phục vụ không sử dụng ly nhựa sử dụng một lần khi phục vụ giải khát. Công chức, người lao động không mang các sản phẩm nhựa sử dụng một lần (ly nhựa, túi nilon/túi nhựa,… các sản phẩm nhựa sử dụng một lần) vào trụ sở cơ quan.
Quản lý từ đầu nguồn là quan trọng nhất
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, để triển khai phân loại rác tại nguồn, huyện đã đề ra các biện pháp thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2024 để các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân và UBND các xã, thị trấn chủ động trong việc triển khai thực hiện.
“Chúng tôi đã giúp người dân hiểu rằng phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm, nghĩa vụ của từng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó, từng bước thay đổi hành vi và hình thành thói quen tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở các hộ gia đình đạt 70%; các cơ quan đơn vị đạt 100%”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, TP.Vũng Tàu là địa bàn tiên phong triển khai phân loại rác tại nguồn đến 17 đơn vị xã, phường.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết, từ 15/3 đến 30/10, thành phố tập trung triển khai tuyên truyền, phân loại rác tại nguồn tại trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố.
Ngày 27/5/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2024. Theo quy định mới này, UBND tỉnh yêu cầu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 loại: chất thải thực phẩm; chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng (giấy thải, nhựa thải, thủy tin, cao su…); chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải rắn cồng kềnh có kích cỡ lớn và chất thải nguy hại gồm bóng đèn huỳnh quang, bình ắc quy…). Các loại chất thải trên sau khi được phân loại phải được chứa đựng trong các bao bì theo quy định và được lưu giữ trong các khu vực phù hợp trước khi chuyển giao cho các đơn vị xử lý.
Hộ gia đình, cá nhân phải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn theo đúng thời gian, địa điểm, tần suất và phương thức theo thông báo của UBND cấp xã. Đồng thời, chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định của UBND tỉnh và giá dịch vụ phát sinh theo thỏa thuận với cơ sở thu gom, vận chuyển.
|
Trong đó, UBND phường 7, UBND phường Thắng Tam được giao triển khai mô hình điểm về phân loại rác tại nguồn để làm cơ sở đánh giá kết quả và triển khai trên toàn địa bàn trong giai đoạn tiếp theo.
Đến nay 2 địa phương thực hiện thí điểm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phường 7, đã thí điểm và tổ chức thu gom rác thải có khả năng tái chế tại 9 địa điểm thuộc hệ thống chính trị phường. Trung bình mỗi tháng phường 7 thu được khoảng 3,1 tạ rác thải có khả năng tái chế bán lấy tiền mua thẻ BHYT hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Phường Thắng Tam đã triển khai tại các trụ sở các cơ quan thuộc hệ thống chính trị phường, chung cư Saigon Res.
Từ tháng 6/2024 phường Thắng Nhì đã hỗ trợ 348 thùng rác phân loại cho 116 hộ dân trên đường Hoàng Việt để thí điểm phân loại. Bà Phạm Thị Hoa (nhà ở đường Hoàng Việt, phường Thắng Nhì) phấn khởi: “Được phường hỗ trợ các thùng rác theo màu và hướng dẫn cách phân loại, gia đình tôi rất dễ thực hiện”.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: QUANG VŨ