Là một huyện đảo cách xa đất liền, chịu nhiều hạn chế về mặt địa lý, giao thông, không giống các huyện trong đất liền, Côn Đảo là một huyện đặc thù không có đơn vị hành chính cấp xã. Chính vì thế, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Côn Đảo cũng đặc thù, không giống với các địa phương trong đất liền.
Đường nông thôn mới khang trang, sạch đẹp ở huyện Côn Đảo. |
Huyện nông thôn mới đặc thù
Theo bà Phan Thị Tím, Phó Phòng Kinh tế UBND huyện Côn Đảo, so với 19 tiêu chí của các huyện trên đất liền, huyện NTM đặc thù không có cấp xã chỉ cần đạt 9 tiêu chí, gồm: quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế - xã hội, môi trường, chất lượng môi trường sống, hệ thống chính trị- an ninh trật tự - hành chính công.
Đến nay, Côn Đảo đã đạt các tiêu chí cũ theo Quyết định 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và đang làm thủ tục hồ sơ gửi Trung ương xét duyệt đạt tiêu chuẩn huyện NTM đặc thù theo tiêu chí mới (Quyết định 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024).
Côn Đảo có hệ thống giao thông hoàn thiện với 100% km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch và được bảo trì hàng năm, hệ thống trục đường bao quanh đảo với tổng chiều dài hơn 70 km. Tại trung tâm huyện là đô thị mới quy hoạch xây dựng đường giao thông đi lại thuận tiện với tổng chiều dài khoảng 80km đường bê tông nhựa. 100% các tuyến đường này đều được trồng cây xanh dọc theo hai bên đường.
Ông Đặng Nguyễn Giang Trúc ở Khu dân cư số 2, đường Phan Chu Trinh cho biết, từ chương trình NTM, đường sá trong khu dân cư nơi ông ở được mở rộng khang trang, sạch đẹp. Nhờ đó, dù ở trong khu núi xa trung tâm, gia đình ông vẫn mở được cơ sở du lịch homestay LoCo Camping phục vụ khách du lịch nước ngoài, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình.
Chương trình NTM cũng đã huy động được nguồn lực lớn của cả xã hội, nhất là xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, cải thiện môi trường, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng môi trường sống cho người dân.
Trong 2 năm 2021 và 2022, nguồn vốn đầu tư công thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn huyện Côn Đảo là 984,6 tỷ đồng. Ngoài ra, có một số dự án quan trọng khác trên địa bàn huyện được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư và bố trí vốn cho các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và một số sở ngành làm chủ đầu tư, gồm: Đường trục phía Bắc khu trung tâm Côn Đảo, nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm, nạo vét hồ Quang Trung I, hồ chứa nước Lò Vôi…
Nâng cao chất lượng sống cho người dân
Để nâng cao chất lượng sống của người dân, ngoài nhiều công trình xây dựng mới về giao thông, huyện Côn Đảo còn xây dựng, nâng cấp nhiều công trình như: xây mới Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo, đầu tư nâng cấp các trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao huyện, trung tâm Văn hóa học tập cộng đồng, thư viện huyện, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn, xây dựng các tiểu công viên xung quanh các hồ chứa nước,…
Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường rất được huyện chú trọng đầu tư, cải thiện. Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, huyện đã đầu tư và đang hoàn thiện đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải An Hải với công suất 3.500m³/ngày đêm cùng với đó là hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại khu vực này. Huyện cũng đã đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhà máy nước lớn trung tâm, đang triển khai thực hiện Nhà máy nước sinh hoạt 10.000 m³/ngày đêm và 3000 m³/ngày đêm để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân và du khách.
Trong tiêu chí môi trường, huyện đã thực hiện phân loại chất thải rác sinh hoạt tại nguồn ở khu dân cư, từ đó tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn từ sinh hoạt và rác thải từ đại dương được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định 100% với khối lượng là 23-25 tấn/ngày đêm. Rác thải sau khi được thu gom, vận chuyển về bãi rác Bãi Nhát và xử lý bằng công nghệ đốt hiện đại.
Trong quá trình hoạt động của DN, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ luôn quan tâm, giảm thiểu và khống chế các tác động có hại đến môi trường xung quanh: có biện pháp xử lý bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý. Huyện cũng đang phát động phong trào giảm nhựa bằng cách thay thế sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày bằng sản phẩm thủy tinh hoặc sản phầm dùng được nhiều lần.
Với các nỗ lực trong quá trình xây dựng NTM, đời sống vật chất của người dân Côn Đảo ngày càng nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân trên đầu người ở Côn Đảo hơn 90 triệu đồng/người/năm, cao nhất tỉnh và huyện không có hộ nghèo.
Bài, ảnh: NGỌC MINH