Từ trên cao nhìn xuống, làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ) như một bức tranh với những chấm tròn vui nhộn của thuyền thúng. Một làng chài trăm tuổi nhiều thăng trầm với bao cuộc đời ngư dân lăn lộn bám biển mưu sinh.
Ngư dân Phước Hải trở về sau một chuyến đánh bắt bằng thuyền thúng. |
4h sáng, ông Dương Bảo Khanh, người có hơn 30 năm làm nghề biển đẩy chiếc thuyền thúng xuống biển rồi nhảy phắt vào trong. 2 chân đứng vững trong lòng, 2 tay nắm chặt vành thúng, người chồm về phía trước và lắc mạnh, thúng cứ thế lướt ra khơi.
Thúng ông Khanh đã xa, thúng ông Đức, ông Mỹ… cũng nối nhau ra biển. Từ bờ nhìn ra khi thúng chỉ còn là những chấm đen nhỏ trên biển, một ngày mới bắt đầu.
8h30 phút, những chiếc thúng ra khơi sớm đã cập bờ. Các cô, các chị chạy nhanh về phía biển, đợi chiếc xe chuyên nghề dịch vụ kéo thúng từ biển lên bãi cát. Trong chiếc áo phong phanh, đầu đội nón lá, chị Trần Thị Sen nhặt nhạnh từng con cá, con tôm, ghẹ, mực vướng vào lưới thúng. Lớn lên từ làng chài, chị Sen đã gắn bó hơn nửa đời mình với biển. “Đi biển lúc được, lúc thua. Lúc tôm cá đầy lưới, lúc cũng mất trắng ngư cụ vì biển sâu, sóng cả. Nhưng nghề thúng cũng cho chúng tôi một cuộc sống no đủ”, chị Sen nói.
Bên làn sóng cuộn tung bọt trắng, gió lồng lộng thổi, ông Lê Hữu Đức (58 tuổi) vẫn điềm tĩnh đẩy chiếc thuyền thúng vào bờ cát rồi thoăn thoắt gỡ hơn 20 tấm lưới đang trộn vào nhau sau chuyến đánh bắt trở về. Ông Đức cho biết, ngày nào gia đình ông cũng thức dậy sớm và bắt đầu ra biển từ lúc 4 giờ. Khi thuyền vào bờ, vợ ông phụ phân loại cá: cá đối, cá ngân, mực, tôm… rồi đem ra chợ Phước Hải để bán. Theo ông Đức, đi thuyền thúng thì không phải tốn nhiên liệu, tuy nhiên thu nhập lại thấp hơn đánh bắt xa bờ. “Ngày nhiều, tui đánh được vài chục ký. Ngày nào sóng to gió lớn, đánh gần bờ cũng được 5-7 kg cá, vợ chồng già đủ sống”, ông Đức nói.
Vừa giũ tấm lưới đang rối bời để khâu vá, ông Trương Văn Mỹ (ấp Lộc An, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ) vừa kể, điều đặc biệt ở làng chài này là đa số các chuyến biển đều không đánh bắt xa bờ bằng tàu thuyền lớn, mà ngư dân chỉ dùng thuyền thúng ra khơi. Mỗi chuyến biển thường bắt đầu từ 3-4 giờ, ngư dân chỉ đánh bắt trong phạm vi khoảng 3 hải lý gần bờ rồi trở về trong buổi sáng.
Ngư dân Phước Hải khâu lưới bên bờ biển. |
“Cách đây hơn 10 năm, tui bỏ đi bạn, đầu tư 80 triệu đồng mua thúng, ngư cụ, động cơ… tự mình kiếm sống. Thu nhập không cao như những nghề đánh bắt khác, nhưng nghề thúng cho thu nhập ổn định. Nếu trúng mùa có khi kiếm khoảng 2 - 3 triệu đồng mỗi ngày không chừng”, ông Mỹ nói.
Theo UBND TT.Phước Hải, nghề lưới thúng có thể hoạt động quanh năm. Những khi biển động, tàu lớn không thể ra khơi, thì thuyền thúng chính là phương tiện đánh bắt và cung cấp hải sản sản tại chỗ chủ lực, đảm bảo đời sống... nên dần dà nghề này đã trở thành nét riêng, độc đáo của làng chài Phước Hải.
Ông Phan Văn Hảo, Chủ tịch UBND TT.Phước Hải cho hay, tổng lượng hải sản khai thác trong 6 tháng đầu năm 2024 của thị trấn đạt 14.256 tấn khô cá các loại. Đó là thành quả của ngư dân Phước Hải với đội hình 455 ghe thuyền công suất lớn, 129 đò nan và đặc biệt là của 285 thúng máy hoạt động gần bờ. Nghề lưới thúng đã trở thành “cánh tay phải” của ngư dân Phước Hải, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: QUANG VŨ