.

Xem xét vùng đánh bắt một số ngành nghề đặc thù

Cập nhật: 17:48, 03/06/2024 (GMT+7)

Chiều 3/6, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai quy định vùng đánh bắt thủy hải sản.

Tàu cá hành nghề bẫy mực, ốc, khai thác ở vùng lộng cập bến cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).
Tàu cá hành nghề bẫy mực, ốc, khai thác ở vùng lộng cập bến cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).

Báo cáo tại cuộc họp, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, thời gian qua, một số ngư dân ở 2 huyện Đất Đỏ và Long Điền đến cơ quan chức năng kiến nghị cho tàu trên 15m khai thác ở vùng khơi được đánh bắt ở vùng lộng do ngành nghề khai thác của họ chỉ có ở vùng lộng. 

Các tàu cá này là xuồng, xỏng có chiều dài lớn nhất từ 15m, nhưng chiều rộng lớn nhất chỉ từ 3-4m, chiều cao từ 1-2m và công suất dưới 400CV, khai thác nghề lưới vây, lưới rê, lưới rê ghẹ, lưới cá đổng, bẫy mực… đánh bắt hải sản chủ yếu ở vùng lộng. Thời gian chuyến biển đi về trong ngày, hoặc từ 2-5 ngày. Các tàu cá này không thể đi đánh bắt hải sản ở vùng khơi, do điều kiện sóng gió, nếu đánh bắt vùng khơi sẽ không đảm bảo an toàn cho phương tiện và ngư dân.

“Luật Thủy sản 2017 thay đổi cách tính, phân vùng đánh bắt tàu cá từ công suất sang chiều dài tàu cá. Các tàu cá này do có chiều dài hơn 15m, giấy phép cấp mới là đánh bắt vùng khơi, nhưng ngành nghề đánh bắt lại ở vùng lộng như nghề bẫy mực bằng vỏ ốc là nghề thân thiện với môi trường. Vì thế, huyện kiến nghị bổ sung Quyết định 25 của UBND tỉnh ban hành ngày 12/9/2019 cho phép cải hoán tàu cá từ lớn xuống nhỏ hơn 15m đi đánh bắt vùng lộng theo đúng quy định”, ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ kiến nghị.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT thống kê số lượng tàu cá có ngành nghề đặc thù này và tham mưu cho UBND tỉnh làm báo cáo kiến nghị Bộ NN-PTNT.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở NN-PTNT hỗ trợ các thủ tục pháp lý theo quy định để bổ sung Quyết định 25 về cải hoán tàu cá theo luật định.

NGỌC MINH

 
.
.
.