.
TUẦN LỄ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM

Chìa khóa để phát triển kinh tế biển

Cập nhật: 17:31, 03/06/2024 (GMT+7)

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do ô nhiễm. Do vậy, việc bảo vệ môi trường chính là “chìa khóa” mở cánh cửa phát triển kinh tế biển.

Lực lượng kiểm lâm và khách du lịch thu gom rác trên bãi biển Côn Đảo.
Lực lượng kiểm lâm và khách du lịch thu gom rác trên bãi biển Côn Đảo.

Đối mặt nhiều thách thức

Bãi biển KLD Paradise (TP.Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 2km. Hàng tuần, lực lượng tình nguyện viên vẫn tham gia thu gom rác trên bãi biển nhưng người đi thì rác lại tới.

Anh Tạ Minh Trường, người sáng lập CLB Biển Xanh, chuyên thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường cho biết, những năm trước rác đại dương chỉ xuất hiện mỗi năm 1-2 lần, mỗi lần 4-5 ngày. 2 năm nay, rác đại dương không còn xuất hiện theo mùa mà thường xuyên tấp vào bờ, khiến môi trường biển bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch của TP.Vũng Tàu.

“Mặc dù chúng tôi ra quân thường xuyên để thu gom rác thải nhưng lượng rác quá nhiều và liên tục nên việc làm sạch biển trở nên khó khăn hơn”, anh Trường nói.

Rác đại dương tấn công, biển xâm thực đất liền là những thách thức mà Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt ngày càng nhiều hơn. Từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, các tàu cá tại khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội-Bình Châu không thể xuất bến ra khơi. Nguyên nhân là do cửa ra vào khu neo đậu bị bồi lấp, tàu cá bị mắc cạn.  

Trước tình trạng trên, đầu tháng 3/2024, UBND huyện Xuyên Mộc đã bố trí nhiều sà lan đến hút cát, phá luồng, mở lối cho tàu cá ra khơi. Đầu tháng 5, UBND huyện Xuyên Mộc tổ chức cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo dự án nạo vét khơi thông cửa ra vào và chỉnh trị đê chắn sóng bảo vệ bờ khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội-Bình Châu. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án hơn 292 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2024-2027.

Theo Sở TN-MT, cũng như nhiều địa phương khác, Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt nhiều thách thức trong công tác quản lý tài nguyên biển, hải đảo. Đó là việc khai thác chưa hợp lý đã và đang làm cho môi trường, các loại tài nguyên, nguồn lợi của biển có dấu hiệu suy giảm và biến đổi phức tạp. Các hoạt động hàng hải trên hệ thống cảng; nước thải từ các khu công nghiệp, chế biến thủy sản; tốc độ đô thị hóa... gây hệ lụy là ô nhiễm môi trường nước và trầm tích tại các vùng ven biển, cửa sông.

Đồng thời, việc lấn biển xây dựng nhiều công trình kiến trúc, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh ven biển không theo quy hoạch ở nhiều nơi đã gây ra sự biến đổi địa hình, thay đổi dòng chảy và ngập nước, gây bồi lắng và xói lở vùng cửa sông, cửa biển. Ngoài ra, hiện tượng mặn hóa, phèn hóa gây ô nhiễm hữu cơ nguồn nước... làm cho hệ sinh thái ven biển bị phá vỡ cân bằng tự nhiên.

Đặc biệt, gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển tại nhiều địa phương trong tỉnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngăn ngừa nguồn gây ô nhiễm biển

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để việc quản lý và khai thác tài nguyên biển hiệu quả, từng cơ quan, đơn vị, DN và người dân phải nâng cao ý thức về quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển, hải đảo. Đây chính là “chìa khóa” để phát huy lợi thế, tiềm năng biển và hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hàng năm, UBND tỉnh đều yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo; tổ chức các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng; phát động các phong trào cộng đồng, ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển…

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện từ tháng 7/2023 đến nay với 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Nguyễn Công Vinh khẳng định, đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, nên suốt thời gian qua, ngoài việc tăng cường công tác kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển, Bà Rịa-Vũng Tàu còn kiên trì thực hiện kế hoạch thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.