Tại nhiều công ty, việc xây dựng văn hóa DN luôn được chú trọng, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất.
Lắp đặt hơn 40 đồng hồ nước cho người dân khu phố Phú Hà, TX.Phú Mỹ là nhiệm vụ quan trọng để người dân có nước sạch sử dụng sau gần 50 năm. Làm việc dưới trời nắng nóng nhưng anh Trí - công nhân Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ (Phumy Wasuco) vẫn luôn cẩn trọng với từng phần việc được giao.
Sau khi lắp xong đồng hồ nước cho hộ dân, chiếc áo bảo hộ lao động màu xanh của anh Trí ướt sũng. Bà Hai - chủ nhà, nói: “Từ sáng đến giờ chú vất vả quá. Bà con trong khu phố cảm ơn chú nhiều lắm”. Anh Trí nhẹ nhàng: “Dạ không sao bác. Đây là nhiệm vụ của tụi cháu”.
CB-CNV làm việc tại Công ty CP cấp nước Phú Mỹ chào hỏi nhau vào đầu giờ sáng trước khi bắt đầu công việc. |
Vui vẻ, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với công việc là nét đẹp văn hóa mà Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ đã đào tạo cho toàn bộ người lao động công ty. Theo ông Phạm Tấn Luận, Giám đốc Phumy Wasuco, để phát huy thương hiệu và hình ảnh tốt đẹp của Phumy Wasuco, công ty đã đẩy mạnh xây dựng và thực thi văn hóa DN bằng sự uy tín, tận tâm và kỷ luật; không ngừng học hỏi và thay đổi; ý thức bảo vệ môi trường.
Để mọi người ghi nhớ và làm theo, công ty đã xây dựng “Sổ tay văn hóa doanh nghiệp” với các quy định chung như: Chào hỏi, giao tiếp với khách, giao tiếp qua điện thoại, bắt tay, chào hỏi, ứng xử với cấp dưới, ứng xử với cấp trên, văn hóa xếp hàng, trang phục nơi công sở…
“Trong đó, công ty đã xem việc đúng giờ như một nguyên tắc cơ bản của văn hóa DN. CBCNV-NLĐ của công ty cần đi làm, tham dự các cuộc họp hay gặp gỡ đối tác, khách hàng đúng giờ. Nghĩa là luôn đến trước 5-7 phút so với giờ hẹn, giờ họp, giờ làm việc”, ông Luận nói.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế, việc xây dựng văn hóa DN càng có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu và sự thành công của DN nói chung.
Theo ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT DIC Holdings, ngay từ khi thành lập, công ty đã chú trọng dựng xây văn hóa DN. Ngoài việc tổ chức tuyển dụng liên tục để sàng lọc nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển của công ty, DIC Holdings có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài về làm việc thông qua lương, chế độ chính sách cho người lao động.
Bên cạnh đó, công ty cũng luôn cố gắng kiến tạo môi trường làm việc lành mạnh, mang tính cạnh tranh cao nhưng đoàn kết. “Xây dựng văn hóa đặc trưng cho DN có nhiều lợi ích. Đó là giúp tạo dựng thương hiệu, tăng khả năng nhận diện thương hiệu của công ty trong tâm trí khách hàng; tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho nhân viên, tạo niềm tin cho đối tác và nhà đầu tư”, ông Lê Đình Thắng chia sẻ.
Tại Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa, bộ quy tắc ứng xử trong quá trình sản xuất kinh doanh và giao tiếp với khách hàng được áp dụng đối với tất cả người lao động. Đó là những quy định về ý thức, tác phong, tư thế, trang phục, xây dựng môi trường khoa học trong giao tiếp, làm việc... Mỗi nhân viên đến cơ quan trước tiên phải gọn gàng, sạch sẽ phòng làm việc, máy vi tính. Hồ sơ, giấy tờ để đúng nơi quy định; có trách nhiệm giữ gìn tài sản chung, sử dụng đúng mục đích, tránh lãng phí, khi hết giờ làm việc thì tắt các thiết bị sử dụng điện trước khi ra về…
Chia sẻ về việc xây dựng văn hóa DN, ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh khẳng định, văn hóa DN là những giá trị cốt lõi, niềm tin, hành vi, thái độ của các thành viên và ban lãnh đạo công ty… Văn hóa DN được phản ánh trong những quy định, chẳng hạn như giờ làm việc, phúc lợi nhân viên, bố trí văn phòng, trang phục, quyết định tuyển dụng, sự hài lòng của khách hàng và nhiều khía cạnh khác…
“Hơn 30 năm thành lập và phát triển Tân Phước Thịnh, tôi nhận ra rằng, đối thủ cạnh tranh có thể sao chép những điểm nổi bật hoặc tiên phong của DN, như chiến lược, sản phẩm, hệ thống… nhưng chỉ có một thứ họ không thể sao chép, đó chính là văn hóa DN”, ông Triêm nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ