Trải nghiệm sầu riêng hữu cơ ở Sông Xoài, Phú Mỹ

Thứ Bảy, 08/06/2024, 09:34 [GMT+7]
In bài này
.

Vườn sầu riêng hữu cơ mang tên Trung Tín, tổ 5, ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ do anh Phạm Tùng, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sông Xoài làm chủ. Đây là mô hình trồng sầu riêng đầu tiên trên địa bàn TX.Phú Mỹ được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.

Anh Phạm Tùng thu hoạch sầu riêng trồng theo phương pháp hữu cơ.
Anh Phạm Tùng thu hoạch sầu riêng trồng theo phương pháp hữu cơ.

Chuyển hướng trồng hữu cơ vì sức khỏe

Vùng đất Sông Xoài phần lớn là đất đỏ bazan màu mỡ, mạch nước ngầm và nguồn nước tưới dồi dào. Từ hơn 20 năm trước, người dân nơi đây đã phát triển trồng trọt với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó có sầu riêng. Riêng anh Tùng, năm 2013 mới bắt đầu làm quen với cây sầu riêng “nhờ mua mảnh vườn 5.000m2  trên đất đã có sẵn cây trồng”.

Ban đầu cũng như các nông hộ trong vùng, anh Tùng chăm sóc vườn sầu riêng theo cách truyền thống. Dần dà, nhận thấy việc dùng phân, thuốc hóa học không chỉ ảnh hưởng tuổi thọ của cây, của đất mà còn nguy hại cho sức khỏe người trồng. “Gia đình tôi sinh sống ngay trong vườn, hóa chất tích tụ ngày ngày thấm vào đất, lan vào không khí hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của cả nhà. Hơn nữa, thị hiếu người tiêu dùng đang dần ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn, hữu cơ. Từ năm 2021, tôi bắt đầu chuyển hướng trồng hữu cơ trên chính mảnh vườn này”, anh Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, 2 chữ “hữu cơ” nói rất dễ nhưng bắt tay chuyển đổi là cả một quá trình dài. Đất và nguồn nước lâu năm đã thấm hóa chất nay phải cải tạo để đào thải chất độc. Nguồn phân hữu cơ phục vụ bón lót, cải tạo đất ở thị trường nội địa hiếm, chủ yếu phải nhập khẩu. Kỹ thuật, kiến thức trồng hữu cơ cũng chưa có. Anh Tùng vừa tới lui tham khảo những người đi trước rồi tranh thủ tham gia những khóa học hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt hữu cơ, vừa mày mò trên mạng tìm kiến thức rồi chắt lọc, ứng dụng cho mình.

Với sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sau 3 năm miệt mài, ngày 27/5 vừa qua, quả sầu riêng đã được xướng tên đạt chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Thời hạn chứng nhận trong 2 năm, đến 2026 với sản lượng sầu riêng sạch dự kiến 8 tấn/năm. Trước đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc có chứa mã vạch QR code dán lên sản phẩm sầu riêng hữu cơ Trung Tín chứng minh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mở rộng đầu ra cho quả sầu riêng sạch.

Mã QR truy xuất nguồn gốc được công khai trước vườn.
Mã QR truy xuất nguồn gốc được công khai trước vườn.

Nâng cao giá trị

Anh Tùng cho biết, trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ chi phí tăng khoảng 30% so với canh tác truyền thống do phải dùng nhiều phân bón hữu cơ để cải thiện đất. Chưa kể sản lượng sẽ giảm từ 10 đến 20% trong thời gian chuyển đổi. Thế nhưng với anh, giá trị mang lại từ trái sầu riêng sạch tốt hơn hẳn so với trái sầu riêng thường mới là điều quan trọng nhất.

Giá bán bình quân tại vườn từ 47 đến 57 ngàn đồng/kg đối với sầu riêng canh tác thông thường. Giá bán sầu riêng hữu cơ cho thương lái đại trà cũng tương đương. Nhưng nếu bán tại vườn cho người biết ăn, biết trân trọng sản phẩm sạch giá được gần gấp đôi. “Tôi chưa tính toán được lãi lỗ vì đang trong giai đoạn chuyển đổi nhưng tôi tự tin mở cửa vườn cho ban bè, người thân tham quan, thưởng thức sầu riêng chín tại vườn. Thị trường cũng đón nhận rất tích cực, nhất là đối với khách hàng lẻ là hộ gia đình. Nhiều hôm không đủ hàng bán cho khách đặt ăn. Tôi tin tưởng rằng khi cây sinh trưởng ổn định theo lối canh tác mới sản lượng sẽ tăng, chi phí duy tu, bảo dưỡng, chăm bón sẽ giảm”, anh Tùng nói.

Hôm chúng tôi đến, vườn sầu riêng hữu cơ Trung Tín đang rộ thu hoạch. 87 gốc sầu riêng giống Ri6 và Mongthong phát triển xanh tốt, trái còn trĩu cành. Hương thơm đặc trưng sầu riêng chín lúc nồng nàn khi thoáng qua thoang thoảng vô cùng hấp dẫn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn, anh Tùng chia sẻ thêm, từ đầu vụ đến nay đã thu hoạch được hơn 4,5 tấn rồi. Dự kiến đến giữa tháng 6 trái sẽ chín hết. “Sau khi cây sinh trưởng ổn định, năng suất tốt tôi sẽ nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật cho bà con xã viên HTX Nông nghiệp Sông Xoài và những ai có nhu cầu chuyển đổi sang trồng sầu riêng hữu cơ”, anh Tùng chia sẻ.

Trong vườn còn một số cây quả đang chín dần.
Trong vườn còn một số cây quả đang chín dần.

Theo ông Trần Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Phú Mỹ, việc mạnh dạn chuyển đổi sang canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ của anh Phạm Tùng rất đáng tuyên dương vì góp phần thiết thực hiện thực hóa kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn TX.Phú Mỹ nói riêng và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung. Hội sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ mô hình trên nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bài, ảnh: THANH TÂM

 
;
.