.

Thu lãi cao từ mô hình nuôi lươn không bùn

Cập nhật: 18:44, 12/06/2024 (GMT+7)

Nuôi lươn không bùn đang được nhiều nông dân tại huyện Châu Đức áp dụng và cho thấy mô hình này mang lại lợi nhuận từ 25-40% doanh thu.

Ông Lê Văn Nghĩa (thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn) cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Ông Lê Văn Nghĩa (thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn) cho biết, mô hình nuôi lươn không bùn là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ cơ sở nuôi lươn Grand Fram (ở KP.Phú Giao, TT.Ngãi Giao) gắn bó với mô hình này hơn 3 năm nay. Theo ông, việc nuôi lươn không bùn giúp dễ quan sát quá trình sinh trưởng và đặc biệt khi triển khai mô hình này, lươn cũng ít bệnh hơn và đạt năng suất cao hơn.

Hiện ông Cường có gần 100 bể xi măng, đang tập trung nuôi lươn giống, bình quân mỗi tháng cho ra thị trường khoảng 100 ngàn con giống, với trọng lượng 500 con/kg có giá bán 2.600 đồng/con; lươn cỡ 1.000 con/kg có giá bán 1.800 đồng/con. Lươn giống được xuất bán cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, khu vực miền Tây… Sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu lãi khoảng 40% so với tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, ông Cường còn nuôi gần chục bể lươn thịt, với số lượng hơn 15.000 con (3-5 con/kg), cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh.

Cũng nuôi lươn không bùn nhưng ông Lê Văn Nghĩa, hội viên nông dân thôn Sông Xoài  4 (xã Láng Lớn) lại có bước đột phá khi áp dụng mô hình nuôi lươn trên bạt được lót trong khung sắt nhằm giảm chi phí đầu tư, dễ di chuyển, dễ thay nước.

Ông Nghĩa đang có 12 bể nuôi lươn trải bạt/20.000 con, trên diện tích nuôi khoảng 150m2. Theo ông Nghĩa, sau khoảng 7 tháng thả nuôi, lươn đạt trọng lượng từ 3-5 con/kg thì có thể xuất bán. Hiện nay, thương lái vào mua lươn xô tại trại với giá gần 80.000 đồng/kg; mua chọn loại lươn thì giá bán hơn 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 25% so với doanh thu.

“Khâu quản lý nguồn nước nuôi lươn là vô cùng quan trọng. Nước nuôi lươn được bơm từ giếng lên cho qua ao lắng rồi mới cấp vào bể nuôi, mỗi ngày thay nước 2 lần sau khi cho lươn ăn khoảng 2 giờ. Định kỳ nửa tháng sát trùng nguồn nước liều lượng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Thời gian tới, tôi sẽ mở thêm 14 bể nuôi lươn thương phẩm, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh”, ông Nghĩa cho biết.

Hiệu quả của mô hình mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi lươn thương phẩm nói riêng cho huyện Châu Đức. Trên cơ sở đó, cuối tháng 5/2024, Hội Làm vườn huyện Châu Đức đã liên kết các hộ nuôi lươn thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn với 11 thành viên là các hộ nông dân trên địa bàn huyện, với quy mô nuôi hơn 160 hồ.

Theo ông Phạm Văn Hinh, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Đức, nuôi lươn không bùn đang là mô hình phát triển kinh tế được áp dụng trong những năm gần đây đối với các nông hộ có ít diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhằm từng bước ổn định về năng suất và sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng cung vượt cầu, Hội Làm vườn huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện hỗ trợ vốn, kỹ thuật nuôi theo hướng sạch, an toàn.

“Hội Làm vườn huyện đã liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ hội viên nuôi lươn thương phẩm có đầu ra ổn định, khoảng 10 tấn/tháng cũng như bảo đảm chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Hinh cho biết.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG-TẤN HOÀNG

 
.
.
.