Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải: Hoàn thiện cơ sở pháp lý đón siêu tàu
Việc liên tục đón siêu tàu có trọng tải lớn ra, vào làm hàng đã góp phần tăng tính cạnh tranh cho cảng biển Việt Nam nói chung và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) nói riêng. Điều này cũng đặt ra cho CM-TV cần có giải pháp để bảo đảm an toàn khi tới đây được dự báo sẽ có nhiều siêu tàu cập cảng.
Xếp dỡ hàng quá khổ tại Cảng TCIT. |
Nhiều siêu tàu cập cảng
Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực có hoạt động tàu biển sôi động nhất cả nước. Đến nay đã có 48 tuyến container vào CM-TV, trong đó 34 tuyến quốc tế và 14 tuyến nội địa. Đặc biệt, các tàu container đến cảng có xu hướng tăng dần về kích thước tàu và trọng tải. Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng gấp 6 lần, từ hơn 300 lượt vào năm 2013, tới năm 2023 lên hơn 2.100 lượt.
Thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, cảng vụ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận thành công 25 chuyến tàu siêu lớn vào, rời cảng an toàn. Cụ thể là các tàu như tàu OOCL Spain, tàu OOCL Piraeus, tàu OOCL Turkiye, OOCL Felixstowe, OOCL Zeebrugge, tàu ONE Integrity, HMM Le Havre; Hanoi Express, Singapore Express... Tất cả các tàu đều có chiều dài 400m, chiều rộng 61,3m, là cỡ tàu container thế hệ mới, lớn nhất trên thế giới hiện nay, có khả năng chuyên chở đến 24.188 TEU.
Trong bối cảnh các tàu trọng tải lớn ra vào khu vực ngày càng nhiều, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu xây dựng 18 phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu trọng tải lớn vào, rời các bến cảng tại khu vực được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt để đảm bảo an toàn. Trong đó, 9 phương án áp dụng cho tàu container; 5 phương án áp dụng cho tàu hàng rời, hàng tổng hợp; 2 phương án áp dụng cho tàu chở cấu kiện siêu trường, siêu trọng và 2 phương án áp dụng cho tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng - LNG.
Cần pháp lý rõ ràng
Tàu trọng tải lớn là xu hướng phát triển của ngành hàng hải trong tương lai. Dự báo, trong thời gian tới số siêu tàu cập cảng ngày càng tăng. Tuy nhiên, hạ tầng cảng biển như hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện chỉ có 2/7 cảng container đủ điều kiện tiếp nhận tàu lớn trên 200 ngàn DWT.
Trên thực tế, thời gian qua việc tiếp nhận các siêu tàu xuất phát từ nhu cầu của DN, chủ tàu, kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn. Đồng thời dựa trên cơ sở vận dụng điều kiện hàng hải khu vực, điều kiện khí tượng thủy văn thuận lợi với sự hỗ trợ của đội ngũ tàu lai dắt hiện đại, đội ngũ hoa tiêu nhiều kinh nghiệm.
Trong khi đó, việc nghiên cứu xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải và tổ chức đưa tàu trọng tải lớn vào, rời cảng hiện chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng. Do đó, các cảng phải thực hiện nhiều lần thử nghiệm và phải điều chỉnh, thay đổi nhiều lần với phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt.
Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có đề xuất cần xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể việc khai thác tàu có trọng tải lớn ra, vào cảng biển để đánh giá sâu về công tác kiểm định, kết cấu hạ tầng cảng biển từng khu vực. Đồng thời, cần có quy định, quy trình cụ thể về việc kiểm định nâng cấp cầu, bến cảng, tận dụng kết cấu hạ tầng hiện hữu để tiếp nhận tàu lớn bảo đảm an toàn và phù hợp quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, luồng hàng hải trên sông CM-TV một số khúc cua có bán kính cong và tàu cỡ lớn phải giảm tốc độ để đi qua, khiến việc điều động tàu trọng tải lớn gặp nhiều khó khăn. “Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo nghiên cứu phương án mở rộng đoạn luồng hàng hải qua đoạn cong về phía khu vực Cần Giờ hoặc cải tạo để tăng năng lực khai thác của tuyến luồng”, ông Lê Văn Thức thông tin thêm.
Từ góc độ nhà quản lý, ông Lê Đỗ Mười, Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong các quy hoạch chuyên ngành đã quy hoạch cảng biển lớn để đón tàu lớn. Do đó, các địa phương phải có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng và các DN, hiệp hội cần tiếp tục có góp ý tới cơ quan quản lý nhà nước để có phương án đón tàu an toàn, phù hợp.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN