Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững là chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung, TX. Phú Mỹ nói riêng trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Ông Phạm Tùng, tổ 5, ấp Cầu Ri, xã Sông Xoài có hơn 5.000m2 đất trồng sầu riêng. Năm 2021, ông chuyển hướng sang trồng sầu riêng hữu cơ. “Tôi chuyển hướng canh tác trái sầu riêng hữu cơ trước hết vì sức khỏe gia đình vì cả nhà sinh sống ngay trong vườn. Sau đó là đáp ứng nhu cầu ngày càng ưa chuộng sản phẩm thuần tự nhiên, hữu cơ, an toàn của người tiêu dùng”, ông Tùng chia sẻ.
Vườn sầu riêng hữu cơ của ông Phạm Tùng. |
Dưới sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế TX. Phú Mỹ, ông Tùng được tham gia các lớp tập huấn về quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), cộng thêm tham khảo kinh nghiệm từ những người trong nghề, chắt lọc kiến thức trồng trọt hữu cơ từ internet… Sau 3 năm miệt mài, cuối tháng 5 vừa qua quả sầu riêng của vườn nhà ông Tùng đã được xướng tên đạt chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.
Ông Tùng cho biết, sản lượng trái trong quá trình chuyển đổi hữu cơ giảm từ 10 đến 20%, trong khi chi phí tăng khoảng 30% so với canh tác truyền thống, chưa kể giá bán bình quân cho thương lái cũng chỉ tương đương sầu riêng thông thường. Thế nhưng người tiêu dùng cá nhân, gia đình rất ưa chuộng. Nhiều người có nhu cầu tham quan vườn, thưởng thức sầu riêng chín tại vườn và mua về. “Tôi tin tưởng mình đã chuyển hướng đúng”, ông Tùng nói.
Cũng tại xã Sông Xoài, bên cạnh mô hình trồng sầu riêng hữu cơ của ông Phạm Tùng, từ năm 2024, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cũng áp dụng trồng và chăm sóc cây bưởi theo phương pháp hữu cơ. Mới đây, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài đã xuất thành công 12 tấn bưởi sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, diện tích trồng bưởi tại xã Sông Xoài trên 107ha với gần 96 hộ. HTX tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn các xã viên chuyển đổi từ sản xuất bưởi truyền thống sang hữu cơ, nhằm tạo chân hàng ổn định hướng tới thị trường xuất khẩu, phát triển thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ kết hợp với du lịch sinh thái.
Theo Phòng Kinh tế TX.Phú Mỹ, ngoài sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ, trên địa bàn TX.Phú Mỹ đã hình thành một số mô hình nông nghiệp đô thị và vùng ven đô thị như trồng rau thủy canh, rau trồng trong nhà lưới, trồng nấm, trồng bưởi, nhãn, sầu riêng...
Tại các vùng trồng rau tập trung như xã Tân Hải và xã Châu Pha còn thành lập các hợp tác xã sản xuất rau an toàn, theo quy trình VietGAP, đạt hiệu quả cả về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ qua nhiều hình thức, trong đó ô hình trồng rau nhà lưới liên kết với doanh nghiệp bao tiêu có xu thế tăng nhanh cả về số lượng và giá trị sản xuất. Nhiều thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng. Đặc biệt đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm nông nghiệp bưởi da xanh Sông Xoài.
Chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị dài hạn
Đồ án quy hoạch chung TX. Phú Mỹ phấn đấu đến năm 2025 xây dựng TX. Phú Mỹ trở thành thành phố, đô thị loại II, có vai trò là đô thị cảng - công nghiệp - dịch vụ logistics, trung tâm kinh tế của tỉnh, cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh sẽ làm đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp. Để ngành nông nghiệp phát triển phù hợp với xu hướng phát triển chung của đô thị mới Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế TX.Phú Mỹ, Phòng Kinh tế đã phối hợp với đơn vị tư vấn - Công ty TNHH Công nghệ NHONHO triển khai kế hoạch thực hiện đề án cho giai đoạn 2023-2025. Theo đó, trong năm 2023 đã hoàn thành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng và điều kiện sản xuất nông nghiệp tại các xã, phường trên toàn thị xã. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền về nông nghiệp đô thị, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho lãnh đạo các xã, phường; hội viên các tổ chức chính trị - xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp đô thị tại TP.Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng.
Từ nay đến hết năm 2025 các nhiệm vụ Đề án đặt ra gồm tiếp tục tuyên truyền cho người dân thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng trong đô thị, xây dựng 1 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, mô hình trồng trọt hữu cơ, tổ chức phiên chợ kết hợp tọa đàm, hội thảo về nông nghiệp đô thị, hỗ trợ ứng dụng công nghệ để quản lý và truy xuất nguồn gốc các loại cây trồng, hướng dẫn khu vực được phép chăn nuôi tập trung bằng đệm sinh học…
Bài, ảnh: TUYẾT HỒNG