Tình trạng rác thải đại dương tại các địa phương ven biển đang là vấn đề nan giải. Ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, vai trò cộng đồng trong việc làm sạch biển, giảm thiểu rác thải rất quan trọng.
Các bạn trẻ tham gia thu gom rác ở biển Lộc An (huyện Đất Đỏ). |
Rác tấn công biển
Hơn 2km bãi biển Lộc An (huyện Đất Đỏ) ngập ngụa trong túi ni-lông, củi khô, thùng xốp… và rất nhiều rác thải khác. Đi trên bãi biển thay vì lớp cát mịn màng dưới chân là một lớp dày túi ni-lông, chai nhựa lổm nhổm. Khi những cơn gió thổi mạnh, túi ni-lông bay tung tóe, một số theo dòng chảy của biển ra đại dương rồi lại theo con sóng cuốn vào.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Đất Đỏ đã tổ chức 2 lần ra quân lớn để làm sạch biển Lộc An. Ông Huỳnh Đức Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, địa phương được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển rất dài. Tuy nhiên, Lộc An cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ rác thải đại dương. “Mỗi lần thu gom hàng chục tấn rác thải. Nhưng người đi, rác lại tới”, ông Tường nói.
Không chỉ Lộc An, hàng loạt bãi biển đẹp, nguyên sơ tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang bị tấn công bởi rác, đặc biệt là các loại rác khó phân hủy như túi ni-lông, rác thải nhựa. Đáng lo ngại nhất là tình trạng rác đại dương tấn công các bãi biển như Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Bãi Dứa, bãi Chí Linh… trong suốt nhiều tháng trong năm. Theo ông Nguyễn Xuân Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu (VESCO), rác đại dương xuất hiện tại các bãi biển trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm qua. Nhưng mỗi năm lượng rác mỗi nhiều hơn, thường xuyên và kéo dài hơn. Như năm 2023, rác đại dương xuất hiện với số lượng nhiều chưa từng có, kéo dài từ tháng 5 đến qua tháng 11 vẫn chưa hết. Mặc dù, VESCO đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia thu gom rác nhưng không xử lý kịp, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị và đặc biệt là hoạt động du lịch.
Trong khi đó, tại các bãi biển Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc), Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Long Hải (huyện Long Điền)… rác thải cũng tràn lan khắp nơi. Theo lãnh đạo UBND TT. Phước Hải (huyện Đất Đỏ) mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa, túi ni-lông ra biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch nhưng nhiều người vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) từ chính nơi mình sinh sống và làm ăn nên lượng rác hàng năm vẫn tăng.
Tại huyện Côn Đảo, rác đại dương chính là mối đe dọa lớn đến sự phát triển của đa dạng sinh học. Mùa gió chướng, những khu rừng ngập mặn quanh các đảo nhỏ có cả tấn rác đại dương ập vào. Rác mắc kẹt vào rễ cây theo từng đợt thủy triều. “Với lượng rác nhựa nếu không được kiểm soát thì rùa biển và rạn san hô sẽ là những loại sinh vật sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc VQG Côn Đảo trăn trở.
Cả cộng đồng vào cuộc
Trước tình trạng rác thải tấn công các bãi biển, nhiều người dân đã âm thầm, tình nguyện nhặt rác, làm sạch biển bằng nhiều cách khác nhau.
Mỗi sáng, thay vì thể dục khởi động làm nóng cơ thể trước khi tắm biển, chị Lê Thị Nga (402 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 10) đi nhặt rác. Chị đi dọc bãi biển Long Cung - Thủy Tiên (TP. Vũng Tàu), nhặt từng túi ni-lông, chai nhựa, thùng xốp do người dân, du khách vứt lại hoặc do đại dương đẩy vào. Chị Nga nói: “Tôi đã duy trì nếp quen như vậy từ nhiều năm. Việc làm của mình tuy nhỏ nhưng tôi nghĩ, mỗi người một tay thì những cánh én nhỏ cũng có thể làm nên mùa xuân. BVMT là vậy, không cần gì lớn lao, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất”.
Những người yêu môi trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã quá quen thuộc với cái tên Vũ Văn Mạnh và chiếc xe cày chở rác. Việc làm tử tế của ông đã chạm đến trái tim nhiều người. Đến nay, hơn 100 thành viên yêu môi trường đã tình nguyện theo ông Mạnh đi nhặt rác, làm sạch các bãi biển.
Chủ đề ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương” (Awaken new depths) kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững. |
Ngoài bỏ công, ông Mạnh còn bỏ tiền túi mua sọt rác, bao đựng rác và sắm cả chiếc xe máy cày để vận chuyển rác từ bãi biển lên điểm tập kết trước khi nhờ Công ty CP Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu chuyển đi xử lý. Chị Lê Thị Bình, công nhân VESCO phụ trách dọn rác ở bãi biển Long Cung - Thủy Tiên nói: “Nhờ có ông Mạnh mà tôi đỡ vất vả hơn, không phải khiêng từng sọt rác nặng từ bãi biển lên bờ nữa”.
Không chỉ có người dân Bà Rịa- Vũng Tàu, tình yêu biển, yêu môi trường cũng lan tỏa khắp nơi. Mới đây, khoảng 550 thành viên đến từ CLB Sài Gòn Xanh (TP. Hồ Chí Minh), CLB Biển Xanh sạch đẹp, CLB Hành trình xanh, từ các cơ quan, đơn vị, phường, xã địa phương cùng đông đảo người dân và du khách đã tham gia dọn rác khu vực bãi biển ở Bãi Dứa, Bãi Dâu, Bãi Trước TP. Vũng Tàu.
Bảo vệ biển không phải trách nhiệm của một cá nhân hay một đơn vị nào mà cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. Đặc biệt, cần phải thống nhất trong nhận thức và hành động, ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương, không chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì BVMT.
Bài, ảnh: QUANG VŨ