Từ đầu năm đến nay, dù các ngân hàng đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay, đồng thời triển khai nhiều gói vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Tính đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,41%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,17% của cùng kỳ năm trước và cách xa mục tiêu Chính phủ yêu cầu.
Nhân viên BIDV Bà Rịa hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng để thực hiện các giao dịch của ngân hàng. |
Lãi suất cho vay tiếp tục ổn định
Quan sát trên thị trường ngân hàng gần đây cho thấy, rất nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 6, đã có tới 15 ngân hàng tăng lãi suất, bao gồm: VIB, TPBank, Nam A Bank, LPBank, GPBank, BaoVietBank, OceanBank, MSB, Bac A Bank, ABBank, PGBank, VietBank, Eximbank, MBBank. Đáng chú ý, thị trường lãi suất chứng kiến một ngân hàng lớn tăng lãi suất là VietinBank với tăng 0,3 điểm % tại hầu hết các kỳ hạn.
Động thái tăng lãi suất huy động khiến DN lo lắng về mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Trong khi, DN đang bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi và cần dòng tiền xoay vòng sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia ngân hàng nhận định, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giữ ổn định, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Mới đây, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg mới ban hành về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu ngành Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN.
Trên thực tế, các ngân hàng không chỉ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, mà còn tích cực tung ra nhiều gói vay ưu đãi để thúc đẩy tín dụng. Chẳng hạn, tại BIDV chi nhánh Bà Rịa, ông Nguyễn Xuân Hồng- Giám đốc chi nhánh cho biết, đơn vị đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho cả khách hàng cá nhân và DN. Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân đang triển khai gói hỗ trợ khách hàng chi trả lương qua BIDV “ An tâm vay vốn- Thỏa sức tiêu dùng”; Gói tín dụng ngắn hạn cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay từ 4,5%/năm.
“Đối với khách hàng DN, BIDV Bà Rịa đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn với hình thức tài trợ vốn lưu động, áp dụng đến hết năm nay. Lãi suất cho vay giảm từ 1.5% - 2.5%/ năm so với sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ”, ông Hồng thông tin thêm.
Ngoài ra, BIDV Bà Rịa còn triển khai các gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại. Mục tiêu của gói vay này là hỗ trợ và đồng hành cùng các Chủ đầu tư thực hiện các Dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực về nhà ở trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cá nhân thực sự có nhu cầu về nhà ở trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, từng bước giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân theo định hướng của Chính Phủ.
Tăng trưởng tín dụng đang cách xa mục tiêu
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,41%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,17% của cùng kỳ năm trước và cách xa mục tiêu Chính phủ yêu cầu. Giới phân tích cho rằng, tín dụng tăng trưởng chậm chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp. Do đó, dù các ngân hàng đã đẩy mạnh cắt giảm lãi suất cho vay nhưng nhu cầu vay vốn vẫn chưa cao
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Giám đốc BIDV- chi nhánh Bà Rịa cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng tại BIDV Chi nhánh Bà Rịa chưa thực sự khả quan. Tính đến hết tháng 5, dư nợ tại Chi nhánh giảm 2,9% so với đầu năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Trong khi đó, lãi suất huy động ở mức 1,6%/năm - 6,1% năm (tùy vào số tiền gửi và kỳ hạn).
|
Theo ông Nguyễn Thế Thường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Chí, trong hai năm gần đây, nhiều DN rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn. Do vậy, dù các ngân hàng có triển khai nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng tỷ lệ giải ngân cũng không được nhiều. Bởi, giờ DN vay cũng không biết làm gì.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng hiện dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, với sức cầu của nền kinh tế. “Chúng ta không nên quá băn khoăn, lo lắng về tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp. Thực tế, đây là sự phục hồi khá tốt trong bối cảnh 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tín dụng âm”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ.
Bài, ảnh: PHAN HÀ