Giải pháp cho điện mặt trời áp mái
Hàng ngàn người dân, DN trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và bước đầu được hưởng lợi. Tuy nhiên, để phát triển loại năng lượng này cần xây dựng được cơ chế, chính sách nhất quán, bền vững.
Nhiều người dân, DN lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà cho sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ. |
Lợi kép khi làm điện mặt trời áp mái
Cách đây 4 năm, anh Nguyễn Đình Hiền, xã An Ngãi, huyện Long Điền đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất 20kW. Hệ thống này cung cấp đủ nguồn điện cho sinh hoạt ban ngày cho cả gia đình 6 người, với đầy đủ tivi, tủ lạnh, và đặc biệt là hệ thống máy lạnh trong cao điểm nắng nóng. “Hệ thống điện mặt trời rất có lợi. Từ khi đầu tư đến nay gia đình tôi tiết kiệm gần 300 triệu đồng tiền điện, cao hơn mức đầu tư ban đầu mà hệ thống này vẫn còn sử dụng được nhiều năm nữa”, anh Hiền nói.
Không chỉ các hộ gia đình, nhiều DN trên địa bàn tỉnh với việc có diện tích nhà máy rộng đã chủ động đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Ông Nguyễn Thanh Bằng, Phó Tổng giám đốc sản xuất Công ty Thép Bluescope (TX. Phú Mỹ) cho biết, DN đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất 2mW cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng nội bộ. Hiện nay, Bluescope đang thực hiện quy trình sản xuất, kinh doanh giảm phát thải, thân thiện với môi trường. “Theo tính toán, công suất 2mW của hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ mới đóng góp 6% lượng khí thải phát ra của mỗi tấn sản phẩm. Do đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đầu tư tăng công suất hệ thống ngay từ năm nay hoặc năm 2025”, ông Bằng phân tích thêm.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay, đơn vị đã ký hợp đồng điện mặt trời mái nhà với gần 3.100 khách hàng, trong đó gần 2.400 khách hàng điện sinh hoạt, tổng công suất hơn 275.350 kWp.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh, các hệ thống này không chỉ giảm tiền điện hàng tháng, bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho ngành điện mà còn “bán” ngược trở lại. “Nhiều DN chú trọng đầu tư điện năng lượng mặt trời. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh mà còn hướng đến mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, đặc biệt là khi thị trường quốc tế ngày càng đòi hỏi nhiều tiêu chí giảm phát thải”, ông Hải nói.
Khuyến khích phát triển nhưng phải an toàn, bền vững
Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay, cơ chế của điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh là người dân, DN lắp đặt hệ thống, ký hợp đồng mua bán với ngành điện. Nguồn năng lượng này sau khi sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt còn dư phát ngược lên lưới sẽ được nhận tiền “bán” điện. Trong tháng 5/2024, Công ty Điện lực tỉnh đã “mua” điện mặt trời mái nhà tổng sản lượng phát ngược lên lưới hơn 30.500.000kWh, với số tiền hơn 61 tỷ đồng.
Công nhân Điện lực Côn Đảo vệ sinh hệ thống điện mặt trời mái nhà tại nhà máy điện An Hội, đây là một nguồn điện hữu ích phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân đảo xa. |
Tuy nhiên, nguồn điện này phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, nhưng đây lại là những yếu tố bất định. Khi không có bức xạ, lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Việc này khiến hệ thống điện phải huy động thường xuyên các nguồn truyền thống nhưng lại hoạt động ở trạng thái không liên tục, gây hại cho thiết bị. Thêm nữa, với tính phân tán và bất định của nguồn mặt trời mái nhà, dù mang lại lợi ích vì sát với nhu cầu tiêu dùng điện, song nếu không có hệ thống lưu trữ phù hợp, thì sẽ không đủ khả năng cung cấp cho nhu cầu sử dụng của hộ gia đình.
Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, lắp đặt hệ thống điện mặt trời có hệ thống lưu trữ là một giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, chi phí pin lưu trữ vẫn còn khá cao, khiến nhiều người dân, DN còn e dè khi lắp đặt. Do đó, để khuyến khích, cần có chính sách tính toán mức giá mua điện từ hệ thống pin lưu trữ vào giờ cao điểm tốt hơn giờ thấp điểm. Cùng với đó, cần tính toán không gian lắp các bình lưu điện phù hợp nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo Công ty Điện lực tỉnh, sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 5/2024 ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay, ở mức hơn 742 triệu kWh, bằng 114,78% so với tháng liền kề và 121,79% so với tháng 5/2023. Riêng đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng trong tháng 5/2024 đạt 150 triệu kWh, tăng 120,37% so với tháng cùng kỳ năm 2023. |
Với những yếu tố trên, hiện nay Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Về nội dung này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán điện với giá nền huy động vào giờ cao điểm. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục, quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên các công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công; tính toán giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu, cụm công nghiệp có công suất lớn…
Bài, ảnh: QUANG VINH