Giá tăng cao, hồ tiêu tái khẳng định vị thế

Thứ Sáu, 14/06/2024, 16:56 [GMT+7]
In bài này
.

Với đà tăng giá như thời gian qua, hồ tiêu đang tái khẳng định vị thế là cây trồng chủ lực của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nông dân Châu Đức chăm sóc tiêu.
Nông dân Châu Đức chăm sóc tiêu.

Đầu tư tăng năng suất, chất lượng

Vụ tiêu năm nay, ông Hoàng Văn Quân (ấp Phú Tài, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) thu hoạch được 10 tấn tiêu, giảm 3 tấn so với năm ngoái, nhưng vẫn lãi khá vì giá tiêu tăng cao. Thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, giá bán 100 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 400-500 triệu đồng, mức lãi sau hơn 5 năm ông mới có được.

“Giá tiêu tăng từng ngày và đã lên mức 180 ngàn đồng/kg. Tôi tiếc là không còn tiêu để bán. Tuy nhiên, đây là động lực để tôi mạnh dạn đầu tư, chăm sóc cho vườn tiêu đạt kết quả những vụ tiếp theo”, ông Quân bày tỏ.

Kết thúc vụ tiêu với lợi nhuận khá cao, bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) không mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc vườn tiêu hiện hữu rộng 4,3ha. Theo bà Trang, giá tiêu đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây giúp người trồng có nguồn thu nhập khá. "Đây cũng là lúc tôi đầu tư chăm sóc vườn để cây phát triển và đạt năng suất ở những vụ sau", bà Trang nói.

Theo ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 10.500ha hồ tiêu, hầu hết là diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh, tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc.
Tình trạng ồ ạt trồng tiêu khi giá tăng cao không còn, thay vào đó, nông dân tập trung chăm sóc, cải tạo vườn cây tốt hơn. Một số hộ trồng mới trên diện tích cây chết, già cỗi và canh tác theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững.

 

Phát triển cây hồ tiêu bền vững

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh cho biết, tiêu là một trong các loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trong tỉnh. Hạt tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt tiêu đen. Đây là động lực để tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định vị thế ở thị trường trong và ngoài nước.

Vì vậy, để cây tiêu phát triển bền vững, không lâm vào cảnh chặt-trồng, trồng-chặt khi giá tiêu “nhảy múa” cần có hướng phát triển đúng và đảm bảo tính bền vững. Trước tiên phải quy hoạch và tập trung vào vùng trồng có lợi thế cho cây tiêu phát triển, giảm diện tích ở những nơi không phù hợp. Bên cạnh đó, tiêu không chỉ là cây gia vị còn là cây dược liệu, vì vậy cần nâng cao chất lượng, chuyển chế biến thô sang chế biến sâu.

“Hội Hồ tiêu tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân khi trồng mới phải lựa chọn những loại giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng; canh tác theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác để nâng cao giá trị hạt tiêu. Hội cũng tăng cường kết nối với các DN thu mua, cơ sở cung cấp phân bón liên kết với người dân xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế”, ông Nhâm chia sẻ.

Hiện nay, ngành NN-PTNT tỉnh đang rà soát quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có ngành hồ tiêu. Đây được xem là cơ sở quan trọng trong chiến lược phát triển cây tiêu của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN trực tiếp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu. Đồng thời, giữ vững và phát triển “Nhãn hiệu chứng nhận và Chỉ dẫn địa lý hiệu hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền; mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành vùng trồng tiêu theo hướng hữu cơ.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 
;
.