Đất Đỏ gắn phát triển nông nghiệp với du lịch cộng đồng

Thứ Năm, 13/06/2024, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Đất Đỏ trở thành điểm đến quen thuộc của du khách… Đây cũng là hướng đi của địa phương này trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng.

Du khách trải nghiệm, tham quan vườn thú tại Nông trại Go Zoo.
Du khách trải nghiệm, tham quan vườn thú tại Nông trại Go Zoo.

Nhà vườn hút khách

Sẵn dịp các con đang nghỉ hè, ông Đặng Ngọc Hiếu (Bình Dương) đến xã Lộc An du lịch. Trên đường về gia đình ông đã tham quan vườn nhãn Hòa Thuận, xã Lộc An. “Ấn tượng khi đến tham quan vườn nhãn là không gian rộng rãi, cây nào cây nấy sai trĩu quả và hương vị rất ngon, ngọt. Mô hình du lịch như vầy rất thực tế, giúp gia đình tôi có được những trải nghiệm quý giá. Các con tôi cũng lần đầu tiên biết quy trình chăm sóc cây nhãn như thế nào, được tự tay hái những trái nhãn chín cây để thưởng thức”, ông Hiếu nói.

Theo bà Trương Thị Bảy, chủ vườn Hòa Thuận, vườn nhãn được huyện chọn là điểm du lịch cộng đồng nên cứ vào vụ thu hoạch (từ tháng 5-7), bà mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Giá vé tham quan vườn 50 ngàn đồng/người.

“Việc kết hợp làm nông nghiệp với du lịch cộng đồng góp phần mang lại thêm thu nhập cho người trồng nhãn. Nhờ đó, gia đình tôi cũng có thêm vốn để tái đầu tư cho vụ sau”, bà Trương Thị Bảy thông tin thêm.

Điểm du lịch cộng đồng Bưng Thơm, xã Long Tân cũng đang mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông Sầm Văn Hùng, ấp Tân Hòa, xã Long Tân cho biết, năm 2022, khu vực Bưng Thơm được huyện chọn làm điểm du lịch cộng đồng, ông cũng đã đầu tư thêm cơ sở vật chất để đón khách tham quan vườn măng cụt. Vào dịp cuối tuần, rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến vườn, nhờ đó góp phần quảng bá trái cây ngon của địa phương cũng như tăng thu nhập cho nông dân.

Liên kết phát triển du lịch cộng đồng

Với nhiều lợi thế, tiềm năng về thiên nhiên, lại có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái đặc trưng, huyện Đất Đỏ đang tiếp tục vận động, hỗ trợ các hộ dân tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đến nay, đã có 3 mô hình tham quan du lịch cộng đồng gồm vườn nhãn Hòa Thuận (xã Lộc An), vườn dừa Triều Mến (xã Long Mỹ) và Bưng Thơm (xã Long Tân) được huyện Đất Đỏ công nhận và hoạt động hiệu quả. 

Gia đình ông Đinh Công Trường, ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội chuyên  trồng khoai mài vừa được huyện Đất Đỏ chọn xây dựng điểm du lịch cộng đồng tiếp theo. Ngoài việc đầu tư, sửa sang khu nhà nghỉ, ông cũng chủ động phối hợp với địa phương thông tin về thời điểm thu hoạch khoai mài để các đơn vị lữ hành xây dựng tour tuyến phù hợp. “Tôi cũng dự tính sẽ liên kết với các nhà vườn khác để giới thêm được nhiều sản phẩm của địa phương”, ông Trường nói.

Bên cạnh xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, nông dân, DN đã bắt tay xây dựng chuỗi liên kết và đem lại hiệu quả tích cực.

Bà Trần Thị Khánh Ngọc, quản lý nông trại Go Zoo (xã Lộc An) cho biết, nông trại Go Zoo, vườn nhãn Lộc An, nhà hàng Vườn Dừa đã liên kết với nhau hình thành các tour du lịch tham quan, trải nghiệm thiên nhiên và thưởng thức các loại nông sản, hải sản của địa phương. “Mô hình liên kết 3 vườn bước đầu đem loại hiệu quả, thu hút nhiều khách đến tham quan trải nghiệm, các cơ sở kinh doanh vì thế mà cũng tăng doanh thu. Nông trại Go Zoo cũng đã hoàn thành khu mua sắm để sắp tới trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của địa phương”, bà Ngọc thông tin.

Theo ông Lâm Hiệp Châu, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đất Đỏ, năm 2024-2025, huyện tiếp tục phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, khai thác lợi thế sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như khoai mài (xã Phước Hội), làng hoa (xã Phước Long Thọ), bún nóng truyền thống (TT.Đất Đỏ), đánh bắt hải sản (TT. Phước Hải)... “Huyện cũng tiếp tục giao các đơn vị duy trì và xây dựng các điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương tại các DN du lịch;  kết nối với các DN du lịch lữ hành để giới thiệu và đưa vào các tour, tuyến tham quan phục vụ du khách”, ông Lâm Hiệp Châu cho biết.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - LÊ TRUNG

;
.