Cấp bách phục hồi rạn san hô Côn Đảo

Thứ Hai, 10/06/2024, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

San hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng diện rộng. Trong đó, khu vực phía Đông bị tẩy trắng nhiều hơn khu vực phía Tây.

Ngày 10/6, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về hiện tượng san hô bị tẩy trắng tại vùng biển Côn Đảo. Theo đó, từ ngày 2 đến ngày 5/6, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp cùng Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam khảo sát chi tiết 8 điểm rạn xuất hiện hiện tượng san hô bị tẩy trắng ở phía Đông Nam và Tây Bắc Côn Đảo.

San hô bị tẩy trắng diện rộng

Kết quả khảo sát cho thấy, các trạm rạn phía Đông Nam đảo Côn Sơn tỷ lệ san hô bị tẩy trắng cao hơn nhiều so với các trạm rạn phía Tây Bắc của đảo. San hô bị tẩy trắng trên cả hai đới mặt bằng rạn và sườn dốc rạn. Nhiệt độ nước biển đến độ sâu 20m duy trì ở mức 32 độ C. Khu vực Hòn Cau, Hòn Tài và Ông Cường có sự hiện diện của sao biển gai (loài này đe dọa sự tồn tại của san hô khi đại dương ấm lên). 

Cụ thể, các trạm rạn phía Đông Nam như Đầm Tre, Hòn Cau, Hòn Tài và Cựa Gà san hô bị tẩy trắng từ 80-100%. Tỷ lệ san hô mới chết đã mất polyp và bắt đầu phủ rong ngả màu vàng nhạt từ 15-20%. Các giống san hô phổ biến trên rạn như acropora, porites, montipora, pachyseris, pavona, echinopora, echinophyllia, pectinia, fungia, ctenactis đều bị tẩy trắng. San hô mềm bị tẩy trắng toàn bộ.

Cựa Gà là 1 trong 4 khu vực tỷ lệ san hô bị tẩy trắng trên 80%.
Cựa Gà là 1 trong 4 khu vực tỷ lệ san hô bị tẩy trắng trên 80%.

Đối với khu vực phía Tây Bắc đảo như Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Bãi Ông Cường và Bãi Ông Đụng, san hô bị tẩy trắng khoảng 60-70%. Tỷ lệ san hô mới chết khoảng 10%. Các giống san hô bị tẩy trắng nhiều nhất là montipora, porites, fungia và pachyseris. Riêng giống san hô acropora dạng cành và bàn ít bị tẩy trắng hơn. Quá trình khảo sát còn ghi nhận trai tai tượng cũng bị tác động bởi nhiệt độ nước biển cao làm mất màu ở phần mô hữu cơ.

Nhiệt độ nước biển xung quanh Hòn Tài ở độ sâu 8,6 m và 14,2m đều 32oC.
Nhiệt độ nước biển xung quanh Hòn Tài ở độ sâu 8,6 m và 14,2m đều 32oC.

Báo cáo nhận định, hiện tượng san hô tẩy trắng tại Côn Đảo là do nhiệt độ nước biển gia tăng trên 30 độ C. Đây là tai biến thiên nhiên đã được Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo xảy ra trên quy mô toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay. Trong đó, khu vực biển miền Nam Việt Nam nói chung và vùng biển Côn Đảo nói riêng được dự báo diễn ra hiện tượng tẩy trắng từ ngày 10/5 đến ngày 20/6.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã giám sát chặt tình hình vùng biển và ghi nhận nhiệt độ nước biển tầng mặt vượt ngưỡng 30 độ C từ giữa tháng 4 và tăng lên 32 độ C từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. San hô bắt đầu bị tẩy trắng từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, thời gian từ ngày 2 đến 5/6 là đỉnh điểm.

Cán bộ Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam khảo sát đánh giá tình trạng san hô chết từ ngày 2 đến 5/6.
Cán bộ Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phối hợp với Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam khảo sát đánh giá tình trạng san hô chết từ ngày 2 đến 5/6.

Giám sát, đề xuất phương án phục hồi

Trực tiếp tham gia đợt khảo sát, Ths. Thái Minh Quang, Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, hiện tượng san hô tẩy trắng trên diện rộng tại vùng biển Côn Đảo là hậu quả của việc nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường vượt ngưỡng 30 độ C, dẫn đến tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô, làm cho khung xương san hô bị mất màu. Hiện tượng này tiếp diễn đến ngày 9/6 với mức giảm nhẹ (cấp độ 1) và đến 16/6 cấp độ tẩy trắng sẽ xuống mức watch (mức độ ít bị tẩy trắng) nhưng cần quan sát thêm.

Việc đánh giá tình trạng san hô trước, trong và sau khi bị tẩy trắng rất quan trọng đối với việc quản lý rạn san hô. Ths. Thái Minh Quang đề xuất, Vườn Quốc gia Côn Đảo cần thu thập số liệu nhiệt độ và độ mặn nước biển từ tháng 4 đến tháng 6 ở các trạm quan trắc cũng như trạm đo khí tượng thủy văn quanh đảo để xác định toàn diện nguyên nhân san hô vùng biển Côn Đảo bị tẩy trắng.

Hiện tượng san hô tẩy trắng được ghi nhận trên quy mô toàn cầu trong các năm 1998, 2010, 2016. Tại Việt Nam nói chung và Côn Đảo nói riêng, hiện tượng tẩy trắng san hô ghi nhận trong các năm 1998, 2000, 2002, 2010, 2016, 2019. Nguyên nhân được xác định là do El Nino. Sau các đợt bị tẩy trắng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã khảo sát và triển khai công tác phục hồi thành công. Đợt san hô bị tẩy trắng lần này được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo phát hiện vào tháng 5 và tiến hành giám sát nghiêm ngặt.

“Đến 15/7, cần đánh giá lại tại 8 trạm rạn đã khảo sát nhằm đánh giá sự thay đổi độ phủ của san hô sống trên rạn và san hô mới chết, từ đó tính toán tỷ lệ độ phủ san hô bị chết do ảnh hưởng của hiện tượng tẩy trắng và xem xét khả năng phục hồi của san hô trên rạn. Đồng thời xây dựng chương trình giám sát rạn san hô định kỳ hàng năm về độ phủ các hợp phần đáy, mật độ cá rạn, mật độ động vật đáy kích thước lớn, các mối tác động… Vườn Quốc gia Côn Đảo phải đưa chương trình này trở thành nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị và thực hiện trong thời gian dài”, Ths. Thái Minh Quang nói.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thống nhất với đề xuất của Viện Hải dương học - Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ khảo sát lại lần hai các rạn san hô đã bị tẩy trắng để có cơ sở đánh giá mức độ tác động và khả năng phục hồi của rạn, làm cơ sở đề xuất các phương án kế hoạch phục hồi rạn san hô tại các vùng bị tác động nặng. Bên cạnh đó sẽ hạn chế tối đa các hoạt động, tác động bởi con người lên các vùng rạn như khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch bơi lội, lặn ngắm trên các vùng rạn san hô quan trọng, đặc biệt là trong các vùng bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo để san hô có thời gian phục hồi tự nhiên.

Khảo sát 8 điểm rạn san hô bị tẩy trắng ở phía Đông Nam và phía Tây Bắc quần đảo Côn Đảo.
Khảo sát 8 điểm rạn san hô bị tẩy trắng ở phía Đông Nam và phía Tây Bắc quần đảo Côn Đảo.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

;
.