Bảo vệ dải đất ven biển để phát triển bền vững
Tuy có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển với hàng trăm km bờ biển nhưng vùng đất dải ven bờ của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động của con người.
Công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển bằng bê tông cốt phi kim do Busadco sản xuất và thi công tại bờ biển Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc). |
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo dải ven bờ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tiềm năng phát triển và nguy cơ do tác động của tự nhiên và con người, những nghiên cứu và giải pháp khắc phục, do Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật phối hợp Sở KH-CN tổ chức sáng 18/6.
Nhiều tác động tiêu cực đến dải ven bờ
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh dẫn chứng, hiện nay nhiều khu vực ven biển bị xói lở nghiêm trọng như: Bãi Thùy Vân-Trại Nhái (TP.Vũng Tàu); Cửa Lấp (huyện Long Điền); Lộc An (huyện Đất Đỏ); Hồ Cốc, Bình Châu (huyện Xuyên mộc)… khiến hàng trăm ha đất bị nước biển cuốn trôi. Ngoài ra, nhiều khu vực ven bờ còn hình thành các ao xoáy, ảnh hưởng lớn đến bãi tắm và các khu vực du lịch ven biển.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thế Biên, Viện Kỹ thuật Biển, qua nghiên cứu các nhà khoa học đã xác định được 6 đoạn bờ biển thường xuyên bị xói lở và 3 vùng cửa sông có luồng dẫn bị bồi lấp nghiêm trọng do tác động của tự nhiên hay do các hoạt động của con người gây nên. Cụ thể, 6 đoạn bờ biển bị xói lở, gồm: Bến Lội-Bình Châu, Hồ Tràm, Hồ Cốc, Lộc An, Phước Tỉnh và đoạn bờ biển khu vực Trại Nhái. Ba vùng cửa sông bị bồi lấp gồm Cửa Bến Lội-Bình Châu, cửa biển Lộc An và cửa biển Cửa Lấp.
“Những khu vực bờ biển bị xói lở và cửa sông bị bồi lấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhất là trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy việc chống xói lở bờ biển, phục hồi các mõm đá, tạo bãi cát, đồi cát, tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên là nhiệm vụ cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh”, PGS-TS Nguyễn Thế Biên nói.
Cấp bách bảo vệ dải ven biển để phát triển bền vững
Tại hội thảo, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở KH-CN khẳng trong điều kiện BĐKH hiện nay, việc bảo vệ vùng bờ có tầm quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Hơn 30 năm qua, tỉnh đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ưng dụng và triển khai những giải pháp khắc phục nhằm giảm thiểu áp lực do tự nhiên và con người tác động đến môi trường để phát triển kinh tế bền vững. Tỉnh cũng đã xây dựng chiến lược và triển khai kịch bản ứng phó với BĐKH, nước biển dâng và tiến hành công tác quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch từng địa phương, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch công nghiệp, quy hoạch cảng, giao thông, quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão…
Tháng 10/2017, UBND tỉnh đã đặt hàng Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Dự án thử nghiệm xây dựng một đoạn bờ kè sông và biển với chiều dài 100m tại sông Dinh, thuộc phường Phước Trung (TP.Bà Rịa) và một đoạn bờ biển Hồ Cốc, huyện Xuyên Mộc. Đến tháng 11/2020, các tuyến kè sông, kè biển với công nghệ cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Theo ông Hoàng Ðức Thảo, Tổng Giám đốc Busadco, không chỉ khu vực sông Dinh, từ 12/2020 đến nay, Busadco tiếp tục thi công và hoàn thiện các tuyến kè bảo vệ bờ biển dự án khu du lịch Làng Chài Resort Xuyên Mộc; thi công lắp đặt đoạn kè phá sóng xa bờ, bãi bồi tạo bãi với cao trình 1,5m, tổng chiều dài 200m tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc và 1,4km kè sông Ray...
Ông Hoàng Đức Thảo cho biết: “Công nghệ bê tông cốt phi kim là giải pháp kè gây bồi tạo bãi, quây đê lấn biển. Việc sử dụng cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển, tạo ra các bờ bao có nhiều hình dạng kích thước khác nhau kết hợp với các cấu kiện chống cát chảy được sắp xếp lắp đặt khép kín với bờ. Giải pháp này dễ dàng trong điều kiện bùn nước và chi phí giảm khoảng 20-30% so với kết cấu truyền thống và các phương pháp khác”.
Bài, ảnh: QUANG VŨ