Bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn

Thứ Tư, 19/06/2024, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ để bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống. Nhờ đó, nhiều hộ làm nghề truyền thống có điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chi cục Phát triển nông thôn bàn giao máy phay cắt CNC đồ mỹ nghệ cho cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm.
Chi cục Phát triển nông thôn bàn giao máy phay cắt CNC đồ mỹ nghệ cho cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm.

Có máy móc, sản phẩm tốt hơn

Bà Dương Thị Ốm (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã có 50 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng. Bà là một trong 10 hộ của làng nghề bánh tráng An Ngãi vừa được hỗ trợ lò tráng bánh điện; hệ thống mái che, nâng nền, sửa chữa khu vực tráng bánh, sân phơi… với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này giúp các hộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm bánh tráng truyền thống, góp phần mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.

Bà Dương Thị Ốm, xã An Ngãi, huyện Long Điền gắn bó với nghề làm bánh tráng 50 năm. Bà vừa được hỗ trợ máy tráng điện.
Bà Dương Thị Ốm, xã An Ngãi, huyện Long Điền gắn bó với nghề làm bánh tráng 50 năm. Bà vừa được hỗ trợ máy tráng điện.

“Có lò tráng điện, việc tráng bánh thuận tiện và nhanh hơn so với tráng thủ công trước đây. Việc này giúp tôi và bà con có động lực để gắn bó và duy trì phát triển nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi”, bà Ốm bày tỏ.

Nghề làm bánh tráng An Ngãi có trên 50 năm hình thành và phát triển. Đến nay, toàn xã có 128 hộ tham gia làm nghề bánh tráng - chiếm 58,72% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn toàn xã, phân bố rải rác trên địa bàn 5 ấp gồm An Hòa, An Bình, An Phước, An Lộc và An Thạnh. Năm 2022, bánh tráng An Ngãi được công nhận là làng nghề truyền thống. Thu nhập bình quân mỗi hộ từ 9-12 triệu đồng/tháng.

Tháng 4 vừa qua, cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm, phường 10, TP.Vũng Tàu cũng được hỗ trợ 1 máy phay cắt CNC đồ mỹ nghệ, thiết bị có độ chính xác cao trong việc tạo hình sản phẩm, trị giá 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, chủ cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm cho biết, máy phay cắt giúp cơ sở giảm bớt các công đoạn sản xuất thủ công, tạo ra nhiều loại sản phẩm mỹ nghệ có độ phức tạp, tinh xảo cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, giúp nâng cao giá trị và sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Có thêm máy móc hỗ trợ, các hộ sản xuất ngành nghề nông thôn nâng cao được chất lượng sản phẩm làm ra. Trong ảnh: Công đoạn tạo hình sản phẩm được thực hiện trên máy phay cắt CNC tại cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm.
Có thêm máy móc hỗ trợ, các hộ sản xuất ngành nghề nông thôn nâng cao được chất lượng sản phẩm làm ra. Trong ảnh: Công đoạn tạo hình sản phẩm được thực hiện trên máy phay cắt CNC tại cơ sở sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại

Toàn tỉnh có hơn 3.407 hộ - cơ sở với hơn 11,6 ngàn lao động, được chia thành các nhóm: chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.

Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đạt hơn 3.698 tỷ đồng; trong đó, nhóm ngành chế biến, bảo quản, nông lâm thủy sản có giá trị sản lượng lớn nhất đạt trên 1.580 tỷ đồng, chiếm 42,7%.

Để bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ vật tư, thiết bị cho 26 hộ. Trong đó, 15 hộ thuộc nghề truyền thống rượu Hòa Long (TP.Bà Rịa); 10 hộ thuộc làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi (huyện Long Điền) và 1 cơ sở thuộc nghề truyền thống sò ốc mỹ nghệ TP.Vũng Tàu.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc hỗ trợ máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm sức lao động, tạo ra giá trị thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng thích ứng với thị trường. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tăng nhanh giá trị sản xuất của các ngành nghề và dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, gìn giữ không gian nông thôn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các cơ quan và địa phương liên quan khảo sát nhu cầu, tổ chức họp xét chọn, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện hỗ trợ nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền cho các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn như: dự án phát triển nghề truyền thống nấu rượu Hòa Long, dự án phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi, dự án phát triển nghề truyền thống sản xuất muối (huyện Long Điền) và dự án phát triển nghề chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo định hướng đa dạng hóa các loại hình du lịch, chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn”.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.