Quản lý thuế hiệu quả trong bối cảnh kinh tế số phát triển

Thứ Hai, 13/05/2024, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 13/5, Tổng cục Thuế tổ chức Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số”.  

Thông tin tại hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, cả nước hiện có gần 1 triệu DN, hơn 3 triệu hộ kinh doanh và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và chủ trương đẩy mạnh hội nhập, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều DN, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh.

Trước tình hình đó, ngành thuế chủ động triển khai công tác quản lý rủi ro tuân thủ pháp luật thuế. Trong đó, ngành đã thực hiện tổ chức thu thập, xử lý dữ liệu bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành thuế. Bên cạnh đó, các Bộ chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế (NNT) đã được xây dựng để hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Trên cơ sở nguồn dữ liệu, Cơ quan Thuế lựa chọn NNT thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế cũng như phân loại hồ sơ hoàn thuế, xây dựng kế hoạch kiểm tra sau hoàn thuế. Đây cũng là căn cứ giúp việc quản lý, giám sát chặt chẽ về việc sử dụng hoá đơn của NNT, từ đó phòng ngừa gian lận hóa đơn, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, việc quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn hơn so với nền kinh tế truyền thống do tính phức tạp, tính đa dạng và tính toàn cầu của các hoạt động kinh tế. Các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng, thông qua các nền tảng số, khiến cho việc theo dõi, kiểm soát và quản lý trở nên khó khăn hơn. Do vậy, đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý phù hợp, hiệu quả để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế. Cụ thể, Cơ quan Thuế cần phân loại mức độ tuân thủ pháp luật và mức độ rủi ro của NNT. Thêm vào đó, ngành tăng cường hơn nữa việc áp dụng quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, quản lý thuế quốc tế. Cuối cùng là xây dựng phương pháp quản lý rủi ro theo hướng tự động hóa.

HÀ AN

;
.