.

Cái Mép - Thị Vải hội đủ tiềm năng trở thành cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới

Cập nhật: 19:32, 15/05/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Đây là đề xuất của các DN, chuyên gia tại hội thảo lấy ý kiến đối với đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới” vào ngày 15/5.

Cụm cảng CM-TV vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn hàng. Trong ảnh: Cảng quốc tế Tân cảng Cái Mép, cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất Việt Nam.
Cụm cảng CM-TV vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn hàng. Trong ảnh: Cảng quốc tế Tân cảng Cái Mép, cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất Việt Nam.

Vẫn còn rào cản

Ý kiến của các chuyên gia, DN tại hội thảo cho thấy, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đáp ứng điều kiện cần và đủ để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế. Trong đó, xét về điều kiện cần, cụm cảng này nằm gần tuyến hành hải quốc tế kết nối với các châu lục. Cự ly vận chuyển từ Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines đến CM-TV giảm khoảng 30%-70% so với cự ly vận chuyển đến Singapore. Thời gian hoạt động gần như quanh năm.

Đến nay, luồng CM-TV đã tiếp nhận được tàu container sức chở 24.000 TEU giảm tải (lợi dụng triều). Đã có sự hiện diện của hầu hết các hãng tàu vận tải container lớn trên thế giới như MSC, Maersk, CMA-CGM Evergreen, One, HMM, Zim, Wan Hai…

Về điều kiện đủ, tại CM-TV đã đầu tư và đưa vào khai thác một số bến cảng container hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, kích thích và tạo tiền đề để hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại đây. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện với khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

CM-TV cũng có vùng kinh tế hậu phương hỗ trợ và tiềm năng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Đó là khối lượng hàng container qua cảng của Vùng kinh tế động lực phía Nam chiếm trên 65% cả nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển, đại diện đơn vị xây dựng cho biết, CM-TV còn có ưu thế cạnh tranh rất lớn về chi phí bốc xếp container với các nước trong khu vực. Ví dụ như, so sánh với Singapore, chi phí bốc xếp hàng xuất nhập khẩu tại CM-TV chỉ tương đương 51-52% với container thường và 61-64% với container rỗng.

Tuy nhiên, lực cản lớn nhất của CM-TV là DN xuất nhập khẩu còn ít thông quan hàng hóa trực tiếp tại đây. Hiện tỷ lệ giao nhận container trực tiếp tại cảng CM-TV chỉ dao động khoảng 13-15% sản lượng thông qua cảng. Còn lại hơn 85% hàng hóa xuất nhập khẩu đều được tập kết và vận chuyển về các khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... bằng sà lan.

Lý giải về vấn đề này, Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á cho rằng, thứ nhất là do tình trạng ùn ứ giao thông đường bộ. Trong khi chờ hệ thống kết nối giao thông liên vùng đi vào hoạt động thì hiện nay QL51 thường xuyên quá tải, nhất là vào cuối tuần, dịp lễ, tết. Điều này làm giảm vòng quay, giảm hiệu quả khai thác của các phương tiện vận tải.

Ngoài ra, do các chủ hàng đều ở các KCN thuộc TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh nên việc kết nối đến cảng Cát Lái rất gần và thuận tiện (nhiều khu vực chỉ cách cảng từ 10-20km), trong khi cách CM-TV 70km. Đó là chưa kể phí BOT của các trạm thu phí và các loại chi phí phát sinh khác cũng làm gia tăng đáng kể chi phí vận chuyển.

Và một nguyên nhân khác nữa là do hệ sinh thái dịch vụ logistics cảng biển tại đây chưa được đầu tư đầy đủ nên khó khăn trong việc tiếp cận, thuyết phục khách hàng giao nhận trực tiếp; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng; thiếu các trung tâm kiểm tra chất lượng nhà nước tại khu vực cảng.

Khai thác CM-TV hiệu quả

Hiến kế cho tỉnh để phát triển CM-TV thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Hoàng Hồng Giang cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ một cách hiệu quả, bảo đảm cho CM-TV trở thành một trung tâm kết nối không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn của khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

ÔNG MAI NGỌC THUẬN, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH
Bám sát định hướng phát triển CM-TV
Trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh đề ra những giải pháp nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cụm cảng trong mối liên kết vùng Đông Nam Bộ, bám sát định hướng phát triển cụm cảng trở thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Cùng với việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cụm cảng CM-TV và khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ là động lực phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới, thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; góp phần đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm logistics thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới vào năm 2050.

Bên cạnh đó, cần bổ sung nghiên cứu chi tiết về thị trường vận tải toàn cầu, thị phần vận tải của từng hãng tàu trên thế giới và các cảng biển đã được các hãng tàu lựa chọn làm bản doanh trung chuyển, phân phối hàng hóa. Đồng thời, cần nghiên cứu cụ thể các chính sách mà các quốc gia lân cận, có điều kiện tương tự Việt Nam đã áp dụng để thu hút các hãng tàu, làm cơ sở xây dựng chiến lược cạnh tranh.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho rằng, để phát huy tiềm năng lợi thế và nâng cao hơn nữa hiệu suất khai thác cụm cảng CM-TV cần thúc đẩy các giải pháp như thành lập thêm các KCN mới để tạo thêm nguồn chân hàng bền vững tại chỗ, từ đó thu hút thêm nhiều hãng tàu mở tuyến dịch vụ.

“Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh phía Nam đang cần một cảng xử lý hàng lỏng mà hệ thống cảng CM-TV hiện hữu chưa có. Do đó, cần bổ sung chức năng cảng hàng lỏng (hóa chất, LPG, LNG…) vào hệ thống cảng CM-TV hoặc quy hoạch một cảng hàng lỏng chuyên dụng mới tại khu vực này nhằm đáp ứng nhu cầu trên. Đồng thời cần quy hoạch hệ thống đường ống cấp khí tự nhiên tới các KCN khu vực Phú Mỹ, Châu Đức... để thúc đẩy công nghiệp xanh, logistics xanh từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi đề xuất.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.