.

Ngăn ngừa cây xanh gãy đổ mùa mưa bão

Cập nhật: 19:31, 15/05/2024 (GMT+7)

Nhằm phòng tránh cây xanh gãy đổ, việc cắt tỉa cành, đốn hạ những cây bị sâu mục trước mùa mưa bão đã được các đơn vị chức năng tại TP.Vũng Tàu gấp rút thực hiện. 

Cây osaka đổ bật gốc, đè lên xe ô tô đậu trên đường Bacu vào tối 12/4.
Cây osaka đổ bật gốc, đè lên xe ô tô đậu trên đường Bacu vào tối 12/4.

Nhiều cây xanh có nguy cơ gãy đổ

Trên địa bàn TP.Vũng Tàu có khoảng 40.000 cây xanh các loại. Qua rà soát, có 231 cây cần phải hạ độ cao; 131 cây phải chống dựng; 33 cây cần phải đốn hạ do quá nghiêng, sâu bệnh hoặc mục gốc không thể phục hồi, trong đó chủ yếu là các loại cây như phượng, móng bò, sò đo cam, bàng Đài Loan… Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tuy nhiên tới mùa mưa bão, mối lo cây xanh gãy, đổ luôn hiện hữu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của người dân.

Gần đây nhất, tối 12/4, một trận lốc nhẹ khiến cây osaka vàng trên đường Bacu (TP. Vũng Tàu) bật gốc, đè lên chiếc ô tô bán tải đang đậu dưới lòng đường, khiến phương tiện này bị hư hỏng. 

Chủ xe ô tô bán tải gặp nạn nói: “Mặc dù sự cố trên không gây thiệt hại về người nhưng vụ việc này khiến người dân lo ngại về mức độ an toàn của cây xanh đường phố. Từ đó, chúng tôi mong đơn vị chức năng nghiên cứu chọn loại cây phù hợp vì khu vực Vũng Tàu gần biển, thường phải đón gió lớn nên trồng các cây có bộ rễ khỏe, bám chắc… Đồng thời thường xuyên chăm sóc, tỉa cành, hạ độ cao và xem xét có nên chống, dựng hoặc áp dụng biện pháp gia cố đối với những cây còn lại để phòng ngừa gãy đổ, bật gốc, đặc biệt là trong mùa mưa”.

Theo Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC), nguyên nhân cây xanh gãy đổ, bật gốc có thể là do quá trình đô thị hóa nhanh khiến rễ cây không ăn sâu vào lòng đất; cây bị sâu bệnh, mục rỗng. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như: người dân thiếu ý thức làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, cây trồng trên nền đất cát nhiễm mặn và bùn lầy, dẫn đến độ bám của rễ giảm theo thời gian.

Đó cũng là lý do khiến tỷ lệ cây xanh gãy đổ trên địa bàn TP. Vũng Tàu vào đầu mùa mưa hàng năm khá cao. Chỉ tính trong tháng 4 và tháng 5 mùa mưa năm 2023, trên địa bàn TP.Vũng Tàu có 75 cây xanh bị gãy cành; 21 cây bị ngã đổ. Và nếu không có biện pháp phòng chống tốt, mùa mưa năm 2024 cũng sẽ có số lượng lớn cây xanh bị gãy đổ.

Công nhân UPC hạ độ cao cây xanh trên đường Hồ Quý Ly, TP. Vũng Tàu.
Công nhân UPC hạ độ cao cây xanh trên đường Hồ Quý Ly, TP. Vũng Tàu.

Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn

Theo UPC, việc theo dõi sức khỏe của cây, cắt tỉa, cành nhánh hạ độ cao là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của công ty. Tuy nhiên, trong những tháng chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh rất dễ xảy ra. Điều này làm gia tăng nguy cơ cây xanh gãy đổ. Do đó, UPC đã tổ chức rà soát các cây sâu mục, ưu tiên chặt hạ trước. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây loại 3 như xà cừ, phượng, sao đen, dầu… trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trương Công Định, Nguyễn Du…

UPC cũng kêu gọi người dân có ý thức bảo vệ cây xanh, không đổ các loại chất thải, xà bần, cặn bã dầu mỡ… vào gốc cây vì những loại chất thải sẽ làm cho gốc cây yếu, sẽ không ăn sâu vào đất, dễ dẫn đến ngã, đổ.
Khi có sự cố về cây xanh hoặc yêu cầu cắt tỉa cành, nhánh, người dân điện thoại đến UPC theo các số: 0254.357.5555, 0984.315.110 hoặc 0919.969.969 để được xử lý kịp thời.

Việc đốn hạ các cây không có khả năng phục hồi, hạ độ cao cành nhánh của cây xanh trên tất cả các tuyến đường cũng đang được UPC tập trung thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão. Đến nay, khối lượng công việc đã đạt khoảng 80%. Dự kiến đến cuối tháng 5, công tác phòng chống cây xanh gãy đổ trên toàn địa bàn TP. Vũng Tàu sẽ hoàn tất.

Ông Hoàng Văn Thao, Tổng Giám đốc UPC cho biết, ngoài các giải pháp phòng ngừa như trên đã nêu, công ty cũng tính đến các phương án xử lý sự cố khi cây xanh gãy đổ. “Theo đó, chúng tôi đã thành lập trung tâm chỉ huy về phòng chống thiên tai trong đó lãnh đạo UPC chịu trách nhiệm chỉ huy chung; thành lập lực lượng phối hợp với 5 đơn vị thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ tuần tra, giám sát, chỉ huy trực tiếp tại công trường giải tỏa cây xanh, bố trí phương tiện tránh ùn tắc giao thông khi có cây xanh gãy đổ…”, ông Thao nói.

Ngoài ra, UPC cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện máy móc, thiết bị như máy cẩu, xe tải, xe bồn, xe cuốc, máy cưa… và tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố từ cây xanh. Tuy nhiên, để hạn chế những rủi ro từ cây xanh thì người dân nên hạn chế tham gia giao thông khi có mưa to, gió lớn; không nên tránh trú mưa dưới cây xanh; không dừng, đỗ xe dưới cây xanh.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.