.

Phòng, chống IUU: Khắc phục bất cập trong ghi nhật ký khai thác điện tử

Cập nhật: 18:06, 10/04/2024 (GMT+7)

Khẩn trương triển khai nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử là một trong những khuyến nghị mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trong lần thanh tra vào tháng 10/2023 về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam. Việc thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần sớm khắc phục.

Nhân viên Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP.Vũng Tàu) lắp đặt thiết bị để ghi nhật ký khai thác điện tử cho tàu cá.
Nhân viên Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP.Vũng Tàu) lắp đặt thiết bị để ghi nhật ký khai thác điện tử cho tàu cá.

Còn nhiều vướng mắc

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT kết quả thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023 của EC về công tác chống IUU của Việt Nam, việc quản lý sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát. Việc ghi nhật ký khai thác mới đạt khoảng 50% số tàu cá, còn sai sót, mang tính đối phó, hồi ký.

EC khuyến nghị Việt Nam khẩn trương triển khai hệ thống nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử thống nhất, đồng bộ, liên thông và không được phép sửa đổi; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thủy sản khai thác.

Cuối tháng 2 vừa qua, Cục Thủy sản đã triển khai tập huấn cho các cảng cá, chi cục thủy sản, đồn biên phòng… trên cả nước hệ thống phần mềm Nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử - eCDT VN.

Ông Trương Văn Sang, Phó Giám đốc Cảng cá Cát Lở (TP.Vũng Tàu) cho biết, sau đợt tập huấn, cảng đã áp dụng hệ thống phần mềm eCDT VN vào hoạt động hàng ngày từ tháng 3/2024. Cụ thể, các chủ tàu cá có thể ngồi nhà trực tiếp lên app eCDT VN khai báo và đăng ký xuất bến. Cảng và đồn biên phòng sẽ duyệt hồ sơ trên phần mềm này, nếu đáp ứng điều kiện sẽ cho tàu xuất bến.

Sau đó, trong quá trình đi biển, chủ tàu cá sẽ ghi nhật ký khai thác mỗi mẻ cá đánh bắt được lên phần mềm eCDT VN. Nếu không áp dụng nhật ký khai thác điện tử, chủ tàu sẽ chụp hình bản ghi tay và gửi lên hệ thống phần mềm. Khi về bờ, tương tự như khi xuất bến, đồn biên phòng và cảng cá sẽ kiểm tra hồ sơ, giấy tờ trên phần mềm eCDT VN và cho cập bến khi đáp ứng các quy định.

Tại bờ, sau khi cập cảng, nhân viên cảng cá và Văn phòng đại diện nghề cá sẽ kiểm tra hoạt động bốc dỡ, nhập số lượng hải sản bốc dỡ của tàu cá đó trên phần mềm và xác nhận nguồn gốc số hải sản đó cho chủ tàu khi có nhu cầu. Chi cục Thủy sản cũng sẽ làm thủ tục cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu qua EU trên phần mềm.

“Mọi việc đều số hóa nên minh bạch, rõ ràng trong cả quá trình đi biển, đánh bắt và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác. Tuy nhiên, việc triển khai cho ngư dân hiện nay còn bất cập khi eCDT VN chỉ dùng được với điện thoại có hệ điều hành Android, còn hệ điều hành iOS thì bị lỗi”, ông Nguyễn Bi, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản thông tin.

Ngư dân thực hiện thao tác ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử theo hướng dẫn của chuyên gia tại một lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức.
Ngư dân thực hiện thao tác ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử theo hướng dẫn của chuyên gia tại một lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức.

Mỗi nơi làm một kiểu

Ngoài vướng mắc trên, việc triển khai cho ngư dân, thuyền trưởng tàu cá ghi nhật ký khai thác điện tử vẫn còn rất chậm khi ngư dân chưa quen với việc dùng công nghệ số, nhập dữ liệu lên app điện thoại.

Ông Ngô Tám, thuyền trưởng tàu cá BV 91666 TS ở Cảng Bến Đá (TP.Vũng Tàu) cho biết, tàu ông áp dụng ghi nhật ký khai thác điện tử gần 1 năm nay. Lúc đầu rất khó khăn, vì ông lớn tuổi, trình độ hạn chế nên việc tiếp thu công nghệ mới khá chậm.

“Trầy trật làm mãi tôi mới được nhưng cũng chỉ làm thí điểm giúp DN chứ phần mềm này chưa được tích hợp vào hệ thống của Cục Thủy sản nên chưa được cảng cá chấp nhận”, ông Tám chia sẻ.

Trong khi đó, ông Huỳnh Kim Sơn, chủ tàu cá BV 957...TS ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, tàu của ông áp dụng nhật ký khai thác điện tử từ năm 2023 và được Cảng cá Bình Châu hỗ trợ in ra khi cập cảng bốc dỡ hải sản. Tuy nhiên, việc ghi nhật ký điện tử thuyền trưởng cũng gặp khó khăn khi những lúc sóng điện thoại yếu, chập chờn hoặc mất sóng là không có mạng để vào app nhập số liệu khi đi biển.

Theo ông Nguyễn Bi, tỉnh có 2 DN cung cấp phần mềm nhật ký khai thác điện tử là Công ty Hiệp lực phát triển Việt (TP.Vũng Tàu) và Công ty CP Thiết bị điện hàng hải - MECOM (TP.Hồ Chí Minh). Mỗi DN đang thực hiện thí điểm áp dụng nhật ký điện tử cho hơn 10 tàu cá/DN trên địa bàn tỉnh.

“Tuy nhiên, mỗi DN làm một kiểu và chưa tích hợp được vào phần mềm eCDT VN của Cục Thủy sản thì cũng vô ích”, ông Bi nói.

Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai việc ghi nhật ký khai thác điện tử trên tàu cá. Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư phối hợp chặt chẽ, kiên quyết tập trung tổ chức thực hiện xuyên suốt và xử phạt nghiêm các tàu cá chưa bổ sung việc thực hiện ghi nhật ký khai thác điện tử.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT cho biết, Cục sẵn sàng đến các địa phương có nhu cầu để tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân và các cơ quan chức năng liên quan như cảng cá, đồn biên phòng, chi cục thủy sản để triển khai ghi nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử.

Liên quan đến việc điện thoại sử dụng có hệ điều hành iOS không vào được hệ thống eCDT VN, ông Luân cho biết Cục đang yêu cầu bộ phận kỹ thuật khẩn trương khắc phục lỗi này.

“Chậm nhất trong tháng 4, việc áp dụng nhật ký khai thác điện tử và truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng đồng bộ trên cả nước, chấm dứt giai đoạn thí điểm. Trong quá trình thực hiện, có phát sinh vấn đề gì, Cục và các địa phương sẽ chủ động, phối hợp tháo gỡ. Riêng các nhà cung cấp nhật ký khai thác điện tử, để tích hợp vào hệ thống phần mềm quốc gia, có thể đăng ký với Cục Thủy sản như hệ thống máy giám sát hành trình”, ông Luân thông tin.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

.
.
.