Hoàn thiện cơ chế phát triển kinh tế số trong lĩnh vực năng lượng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định số 804/QĐ-BCT ngày 8/4/2024 ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Một trong những mục tiêu của kế hoạch là xây dựng Hệ thống thông tin chuyên ngành năng lượng đầy đủ phân ngành, gồm: dầu khí, xăng dầu, than, điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Triển khai đề án lưới điện thông minh tại Việt Nam theo đúng lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành năng lượng cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ Công ty Điện lực thành viên sử dụng công tơ điện tử. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu lắp công tơ điện tử cho khách hàng ở TP.Vũng Tàu. |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hiện đại hóa công tác đo đếm, phấn đấu đến năm 2025 đạt 95%, đến năm 2030 đạt 100% công tơ điện tử tại tất cả các tổng công ty điện lực; Cung cấp cho khách hàng số liệu đo đếm thông qua ứng dụng trên di động theo hướng trực tuyến (online) toàn diện.
Kế hoạch cũng đề cập đến việc lập kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn ngành tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; Tuyên truyền phổ biến, quán triệt kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng của ngành công thương; Tuyên truyền, phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách pháp luật và các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh liên quan đến lĩnh vực năng lượng về bản chất, xu hướng và lợi ích của việc ứng dụng, khai thác công nghệ số, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng tại các cơ sở đào tạo (sau đại học, đại học, cao đẳng,...) trong ngành công thương.
Kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng cũng tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế số trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong các doanh nghiệp sản xuất năng lượng hướng đến mô hình nhà máy thông minh, tăng trưởng xanh, bền vững và phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy việc triển khai cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất năng lượng, kết nối thông qua các nền tảng số, đóng vai trò đúc kết và lan tỏa kinh nghiệm về hoạt động chuyển đổi số.
Tin, ảnh: QUANG VINH