Phát triển Vũng Tàu thành trung tâm nghề cá

Thứ Sáu, 05/04/2024, 17:32 [GMT+7]
In bài này
.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP.Vũng Tàu đã góp phần đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước, thể hiện trên cả bốn lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản.

TP.Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển đội tàu hiện đại, đánh bắt vùng khơi với những loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu ở cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).
TP.Vũng Tàu đẩy mạnh phát triển đội tàu hiện đại, đánh bắt vùng khơi với những loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu ở cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).

Đội tàu ngày càng hiện đại

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, dù chỉ đứng thứ ba trong cơ cấu phát triển của thành phố, nhưng thủy sản vẫn là ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của thành phố, đạt mức tăng trưởng cao, phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả. Ngành cũng đã góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, giảm nghèo, cải thiện đời sống dân cư.

Định hướng đến năm 2030, TP.Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm lớn về khai thác, cơ khí, cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng Đông Nam Bộ, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó có việc xây dựng, hình thành, phát triển trung tâm nghề cá của tỉnh gắn với ngư trường Đông Nam Bộ tại Gò Găng, xã Long Sơn.
(Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu)

Vũng Tàu là một trong những địa phương có năng lực khai thác lớn của tỉnh, chiếm hơn 40% về số lượng và 37% tổng công suất tàu khai thác thủy hải sản. Những năm gần đây, tàu thuyền khai thác hải sản ngày càng được hiện đại hóa, có khả năng chịu sóng, chịu gió, khai thác khơi xa và dài ngày trên biển. Nhiều tàu đã vươn khơi xa bắt được những loài có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc gia tăng sản xuất, đội tàu còn góp phần tích cực trong bảo vệ an ninh an toàn trên biển.

Đội tàu khai thác của thành phố đã được sắp xếp, củng cố lại với việc đầu tư hỗ trợ trang thiết bị hiện đại (đóng tàu cá bằng vật liệu mới, công suất lớn, lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình trên biển…) thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn của ngư dân.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, ngư dân ở phường 2, TP.Vũng Tàu cho biết, trong năm 2016, 2017 khi Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại đánh bắt vùng khơi, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo được triển khai, ông đã mạnh dạn tham gia, đóng mới 3 tàu vỏ composite với công suất trên 800CV/tàu.

“Tàu vật liệu mới composite với máy móc, giàn lưới hiện đại, cơ giới hóa toàn bộ khâu thả lưới, thu lưới,… đã giúp tăng hiệu quả đánh bắt gấp 2, thậm chí gấp 3 lần tàu cũ. Thêm vào đó, hầm bảo quản tốt, cá về bờ tươi nên bán được giá hơn, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng theo. Nếu trước đây một chuyến biển chỉ khoảng 200 triệu đồng thì nay được 500-600 triệu đồng”, ông Ngọc cho biết.

Đẩy mạnh dịch vụ hậu cần

Việc nuôi trồng thủy sản đang được sắp xếp, tổ chức lại. Thành phố đang tập trung quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, sông Dinh, xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch, tổ chức sắp xếp ổn định vụ nuôi, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy và an toàn môi trường khu vực nuôi.

Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) đầu tư giàn máy đông lạnh nhanh trị giá 20 tỷ đồng trong năm 2023 để tăng sản lượng và chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu.
Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) đầu tư giàn máy đông lạnh nhanh trị giá 20 tỷ đồng trong năm 2023 để tăng sản lượng và chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu.

Theo đó, khu vực nuôi trồng thủy sản lồng bè tập trung trên địa bàn thành phố được quy hoạch 16 tiểu khu, chủ yếu trên các sông thuộc phường 12 và xã Long Sơn, với khoảng 400 hộ/11.000 lồng. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 6.920 tấn, tăng 37,38% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, thành phố có 82 nhà máy chế biến thủy hải sản với tổng công suất trên 250 ngàn tấn thành phẩm/năm. Trong đó, 28 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hầu hết các cơ sở còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nga… góp phần quan trọng trong giải quyết nguồn nguyên liệu và công ăn việc làm tại địa phương.

Ngành cơ khí phục vụ thủy sản của Vũng Tàu phát triển cả cơ khí sửa chữa lẫn gia công chế tạo và đóng sửa tàu thuyền, đáp ứng nhu cầu của thành phố, cả tỉnh và phục vụ thêm cho các địa phương lân cận. Thành phố có 4 cơ sở cơ khí đóng sửa tàu thuyền, năng lực đóng mới 91 chiếc/năm và tiếp nhận sửa chữa 2.600 chiếc/năm.

Cùng với đó, thành phố có 6 cảng cá (4 cảng loại II và 2 cảng loại III) và 136 tàu dịch vụ trên biển cung ứng thực phẩm, đá, thu mua, vận chuyển nguồn lợi cho các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, đáp ứng đủ nhu cầu cho các phương tiện tàu cá trong vào ngoài thành phố.

Tổng số tàu thuyền trên địa bàn TP.Vũng Tàu là 1.417 tàu; trong đó, 820 tàu có chiều dài từ 15m trở lên (chiếm 57,9%) hoạt động vùng khơi, với khoảng 10.000 lao động. Năm 2023, sản lượng hải sản khai thác ước đạt 236.818 tấn, tăng 23,86% so với 5 năm trước.

Trong Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 về Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường Đông Nam Bộ, cả nước và khu vực Đông Nam Á.

“Đây là cơ hội lớn, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản tỉnh nói chung, TP.Vũng Tàu nói riêng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Từ đó, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, giải quyết việc làm, an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư tại địa phương. Đồng thời, kiểm soát tốt môi trường, chất thải… góp phần cùng đội tàu đánh bắt xa bờ vươn khơi bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”, ông Vũ Hồng Thuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.