Phú Mỹ đang được hoạch định trở thành một đô thị mới với các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, chân dung đô thị Phú Mỹ phải đáp ứng yêu cầu cảng biển cấp độ “cảng trung chuyển quốc tế”. Trong ảnh: Một góc Cảng Gemalink. |
Nhiều gam màu sáng
Tại hội thảo lấy ý kiến đối với đề án “Phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ” do UBND tỉnh tổ chức ngày 12/4, một lần nữa Phú Mỹ được nhắc đến với nhiều gam màu tươi sáng. Đó là tọa độ không gian giáp biển, giáp sông, là chức năng “cửa ngõ” vùng, nơi tập trung các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp, cảng biển lẫn du lịch…
Trong cấu trúc phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Mỹ có vai trò nổi bật, gắn với tiềm năng, lợi thế phát triển đặc thù, trong đó, nổi bật nhất là lợi thế cảng biển với các yếu tố cấu thành “thuần tự nhiên”: mực nước sâu, cảng “kín”, ít chịu gió bão, ít bị bồi lắng, nằm gần sát tuyến hải hành quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới…
Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ dự kiến xây Khu dân cư phức hợp Harbor City dành cho chuyên viên nước ngoài và cư dân địa phương, tọa lạc tại khu vực ven sông nối liền khu công nghiệp và khu đô thị, sân golf 18 lỗ và khu tiện ích. |
Sự kết hợp với tọa độ địa lý thuận lợi để kết nối liên kết vùng, liên kết quốc tế dọc sông, cửa ngõ quốc tế tạo nên vị thế phát triển đặc biệt của Phú Mỹ đối với toàn vùng và cả nước trong bối cảnh xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu được đẩy mạnh.
Trong suốt chiều dài phát triển, Phú Mỹ luôn là địa bàn trọng điểm, đóng vai trò then chốt khi “gánh” 2 trụ cột kinh tế quan trọng là công nghiệp và cảng biển. Đến nay, Phú Mỹ có 9 KCN tập trung và 3 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 5.000ha, chiếm gần 60% diện tích KCN toàn tỉnh, thu hút 284 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng qua địa bàn Phú Mỹ như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và xa hơn là dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, đại diện nhóm tư vấn lập đề án (Trường Đại học Fulbright) nhận định, trong điều kiện hiện đại, lợi thế đó chứa đựng khả năng xây dựng Phú Mỹ thành một trung tâm kinh tế, một tổ hợp phát triển cảng biển - công nghiệp - logistics tầm cỡ, nền tảng của một đô thị có năng lực cạnh tranh quốc tế bậc cao.
Bản đồ phân bố các KCN ở Phú Mỹ. |
Từ những tiềm năng, lợi thế trên, các chuyên gia, nhà lãnh đạo đã phác thảo những nét vẽ chính cho bức chân dung đô thị mới Phú Mỹ. Thứ nhất, vùng phía Tây của QL51 sẽ tập trung phát triển cảng biển, KCN, khu thương mại tự do, đô thị phục vụ hậu cần cảng, duy trì một số khu bảo tồn đa dạng sinh học đầm lầy ven biển.
Thứ hai, khu phía Đông QL56 và phía Tây cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ ưu tiên phát triển nhà ở, các khu dân dụng thuộc đô thị, bảo tồn hệ sinh thái núi.
Thứ ba, vùng phía Đông cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu và dọc tuyến vành đai 4 sẽ phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị, phát triển các khu dân cư theo mô hình nén, nông nghiệp đô thị và các hành lang đa dạng sinh học bảo tồn hồ chứa nước.
Thứ tư, Phú Mỹ sẽ thí điểm mô hình đô thị thông minh, áp dụng các thành tựu công nghệ vào phát triển và vận hành đô thị, qua đó nâng cao tiện ích, giá trị và chất lượng cuộc sống người dân, tạo hình ảnh đô thị kiểu mẫu, phát triển năng động, bền vững theo xu hướng quốc tế.
Cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong nhóm các cảng bận rộn nhất ở Đông Nam Á năm 2022. |
Biến những “nét vẽ” thành hiện thực
Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định, cách tiếp cận phát triển Phú Mỹ hiện đại có điểm xuất phát thực tế là cảng Cái Mép-Thị Vải được coi là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam là một định vị đúng hướng và đúng tầm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, đô thị Phú Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu: cảng biển cấp độ “cảng trung chuyển quốc tế”, bao hàm luôn trong đó vai trò chức năng vùng - quốc gia; định dạng cơ bản của Phú Mỹ tương lai là “đô thị cảng biển - công nghiệp - trung tâm logistics hiện đại” có chức năng là “trung tâm hội nhập - cạnh tranh quốc tế” của vùng… Ý tưởng xây dựng tổ hợp đô thị cảng biển - công nghiệp - trung tâm logistics Phú Mỹ theo cách thử nghiệm hình mẫu phát triển “khu thương mại tự do thế hệ mới” hay “đặc khu kinh tế”.
Tham luận tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, đô thị mới đã có những nét vẽ cơ bản nhưng không phải để mơ ước mà phải thành hiện thực. “Do đó, phải đặt Phú Mỹ trong tầm nhìn phát triển Quốc gia - vùng như một trục định hướng. Với cấp độ giá trị như vậy, việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế đó, để Phú Mỹ phát triển đúng tầm và có hiệu quả không phải là nhiệm vụ của riêng Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn là nhiệm vụ mang tầm chiến lược Quốc gia và của vùng”, PGS-TS Trần Đình Thiên nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ là chủ trương đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc triển khai đề án sẽ góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, du lịch và đô thị. |
Ngoài ra, cần coi phối hợp liên kết vùng là trục định hướng thay vì nguy cơ tạo xung đột lợi ích bảo đảm sự hỗ trợ quốc gia - vùng là điều kiện tiên quyết của thành công. Đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho thể chế điều hành thành phố Phú Mỹ mới. Đặc biệt là phải thúc đẩy giải quyết vấn đề kết nối phát triển tầm cao cấp vùng, cấp quốc gia, trực tiếp nối các cảng biển - cảng hàng không - các trung tâm tăng trưởng kinh tế.
KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 từng bước hoàn thiện, góp phần tạo nên điểm nhấn trong bức tranh đô thị mới Phú Mỹ. |
Đại diện cho các DN, nhà đầu tư trên địa bàn TX.Phú Mỹ, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ cho biết, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và KCN Phú Mỹ 3 mở rộng do DN là chủ đầu tư có lợi thế, gần cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, nhà máy Hyosung, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Từ đó, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và KCN Phú Mỹ 3 mở rộng là địa điểm lý tưởng cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm sau hóa dầu như sản xuất nhựa, hóa chất… góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy trong nước, tạo nên chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu cơ bản liên vùng giữa các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là một mắt xích quan trọng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ