Phát triển nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang là xu hướng tất yếu trong tương lai. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đang dẫn đầu cả nước về phát triển hệ thống hạ tầng kho cảng cho loại nhiên liệu này.
Toàn cảnh kho Thị Vải (KCN Cái Mép) do PV GAS đầu tư là kho cảng LNG đầu tiên và duy nhất đến nay của Việt Nam. |
Tất cả kho cảng LNG của Việt Nam đều nằm ở Phú Mỹ
Cuối tháng 3/2024, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) ký hợp đồng cung cấp gần 70 ngàn tấn LNG cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bổ sung nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất điện năm 2024. Lượng khí LNG này cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 trong giai đoạn tháng 4-5/2024, qua đó, giúp sản xuất thêm 500 triệu kWh bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong cao điểm mùa khô năm 2024.
Để có được nguồn cung cấp cho EVN đợt này, PV GAS nhập khẩu LNG từ các đối tác hàng đầu thế giới. Những chuyến tàu chở đầy nhiên liệu sau nhiều ngày vượt đại dương đã cập cảng và được lưu trữ tại bồn chứa của kho cảng LNG Thị Vải (KCN Cái Mép, TX.Phú Mỹ). Đây là hệ thống kho cảng LNG duy nhất Việt Nam hiện nay, với mức đầu tư 6.500 tỷ đồng và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023.
Ngoài kho cảng Thị Vải của PV GAS, hiện nay kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh (thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hàng đầu Việt Nam) làm chủ đầu tư đã hoàn thiện xong phần đầu tư xây dựng, sẵn sàng đưa vào chạy thử và vận hành thương mại từ quý III năm nay.
Kho cảng được kết nối qua tuyến ống với tổ hợp các nhà máy điện có quy mô lớn nhất Việt Nam tại Phú Mỹ, với công suất điện khí là 3,9 GW. Nằm tại vị trí chiến lược, cảng còn có ba bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn. Với 14 trạm nạp xe bồn, kho cảng LNG Cái Mép kết nối thuận tiện với nhiều đường cao tốc để có thể cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho nhiều khu vực trọng điểm.
Xu hướng LNG là tất yếu
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện năm 2030, và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030.
Đầu tháng 3/2024, AG&P LNG, công ty hàng đầu về kho cảng và cơ sở hạ tầng LNG của Mỹ đã mua lại 49% cổ phần của kho cảng Cái Mép do Công ty Hải Linh đầu tư. Tại buổi lễ công bố, ông Lê Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty Hải Linh cho rằng, chắc chắn LNG sẽ là một nguồn nguyên liệu thay thế các nguồn nguyên liệu truyền thống (than đá, thủy điện…) đang có nguy cơ cạn kiệt. Trong đó, một ứng dụng quan trọng nhất của LNG là nhiên liệu cho ngành nhiệt điện, qua đó, giảm nguy cơ thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt hơn, nhiên liệu này phát thải ít hơn 30-40% so với than đá và dầu mỏ nên phù hợp với nhiều yêu cầu của các đối tác quốc tế, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng xanh.
LNG là khí tự nhiên hóa lỏng, có thành phần chủ yếu là CH4 - methane (94,3%), không màu, không mùi, không độc hại. Trước khi vận chuyển, LNG được làm lạnh ở nhiệt độ -162ºC. Lúc này khí LNG đã chuyển sang thể lỏng.
Khi này, LNG chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí tự nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn. Để sử dụng, khí LNG được hóa khí trở lại. Khi cháy, LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880ºC). Nhưng không để lại cặn giúp các loại thiết bị, máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, tăng tuổi thọ.
|
Theo ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh xác định quan điểm phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, trong đó định hướng phát triển các dự án điện khí có quy mô lớn. Hiện nay, tỉnh đang có các dự án vận hành ổn định như Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3… Sở Công thương đang phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn để UBND tỉnh xem xét thông qua, trình Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển hạ tầng kho cảng LNG hàng đầu cả nước không chỉ đáp ứng nhu cầu của các nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu, mà còn cho các dự án có quy mô rất lớn khác trong khu vực, qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những địa phương tạo thành trung tâm năng lượng quốc gia.
Bài, ảnh: QUANG VINH