Vì sao giá vé máy bay vẫn ở mức cao?
Tuy đã giảm hơn so với dịp Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này giá vé máy bay vẫn neo ở mức cao hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Hiện giá vé máy bay nội địa vẫn neo ở mức cao. Trong ảnh: Máy bay chuẩn bị cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Tăng từ 40-70%
Ngày 17/3, giá vé máy bay hạng phổ thông chặng Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh từ 3-3,5 triệu đồng/vé. Những ngày tiếp theo từ 18-22/3, giá vé khứ hồi của VietnamAirline chặng bay Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh hạng phổ thông 5 triệu đồng/cặp, đối với hạng thương gia có mức giá từ 10-12 triệu đồng/cặp.
Vé khứ hồi hạng phổ thông chặng Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh của Vietjet Air giá 3,3 triệu đồng/cặp, của Bamboo Airway giá 3,4 triệu đồng/cặp. Cùng đó, nếu đổi ngày, giờ bay, hành khách phải bỏ thêm từ 1-1,5 triệu đồng.
Các chặng Hà Nội-Phú Quốc giá vé khứ hồi hạng phổ thông tiết kiệm của Vietjet Air từ 3,5 triệu đồng; cùng thời điểm, cùng chặng bay, giá vé khứ hồi Vietnam Airlines từ 7,2 triệu đồng.
Cùng thời gian này, chặng Vinh-TP.Hồ Chí Minh giá vé khứ hồi của Vietnam Airlines từ 4,2 triệu đồng/cặp; của Vietjet Air giá 3,2 triệu đồng/cặp.
Các đại lý bán vé máy bay cho biết, mức giá trên cao hơn từ 40-70% so với cùng kỳ năm 2023. Có những ngày, giá vé tăng 100% so với cùng kỳ những năm trước, đã tác động tới nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, đường Phạm Văn Dinh, TP.Vũng Tàu cho biết, những năm trước ông đi công tác Hà Nội dịp này giá vé khứ hồi khoảng 3-3,5 triệu đồng/cặp, nhưng nay với số tiền này chỉ đủ mua 1 chặng. Kể cả đặt trước 1-2 tuần mức giá cũng ở mức 5,5- 6 triệu đồng/cặp.
“Theo tôi, đây là mức giá quá cao so với thu nhập của người dân và cán bộ công nhân viên chức. Chi phí cho chuyến đi vì thế cũng tăng theo và chủ yếu là từ giá vé máy bay”, ông Thành nói.
Theo khảo sát, mặt bằng vé máy bay nội địa từ nay đến dịp 30/4-1/5 sẽ tiếp tục tăng cho tới dịp cao điểm hè 2024, do nhu cầu đi lại tăng cao.
Cần tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu
Giải thích nguyên nhân giá vé máy bay tăng cao, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, bình thường như các năm, sau giai đoạn cao điểm Tết, giá vé máy bay sẽ “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, do số lượng máy bay trong nước giảm.
Cụ thể, việc Bamboo Airways cắt giảm số lượng máy bay và một số hãng khác trả máy bay sau giai đoạn thuê phục vụ đợt cao điểm Tết đã khiến số lượng máy bay phục vụ người dân sụt giảm. Trong khi đó, nhu cầu đi lại của người dân sau Tết vẫn rất cao.
Cùng đó, từ 1/3, giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông sẽ được áp dụng giá trần mới theo quy định của Bộ GT-VT. Theo đó, trên 4 đường bay, giá tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75%. Cụ thể, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên mức giá trần 1,6 - 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Các nhóm đường bay còn lại có mức tăng giá từ 50-250 ngàn đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay. Chẳng hạn, đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều.
Trước phản ánh vé máy bay tăng cao, vừa qua Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng bay chủ động phối hợp với DN lữ hành xây dựng chương trình, kế hoạch khai thác đến các địa phương, các quốc gia trọng điểm về du lịch, nhằm phục vụ du khách vào giai đoạn nghỉ lễ 30/5 - 1/5 và cao điểm hè năm 2024.
Các hãng phải báo cáo nhu cầu khai thác, tăng chuyến cũng như các đề xuất liên quan việc điều chỉnh tham số giờ hạ, cất cánh; thời gian phục vụ chuyến bay tại các cảng hàng không, sân bay trong dịp này.
Đồng thời, căn cứ nguồn lực, nhu cầu thị trường và tối ưu hóa giờ khai thác của máy bay, khẩn trương xây dựng kế hoạch khai thác tăng chuyến ngay từ thời điểm hiện tại trên các đường bay nội địa từ phía Bắc đến phía Nam, bao gồm tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và đêm để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN