Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ các loại nấm ăn, anh Nguyễn Kim Ngọc (SN 1988), ở thôn 2, xã Bình Trung (huyện Châu Đức) quyết định khởi nghiệp với mô hình rồng nấm rơm hữu cơ trong nhà màng.
Anh Nguyễn Kim Ngọc kiểm tra nấm rơm. |
Tốt nghiệp ngành hóa dầu, nhưng anh Ngọc lại mê làm nông nghiệp. Qua thời gian tìm hiểu, nắm bắt thị trường tiêu thụ, năm 2023, anh Ngọc quyết định dồn vốn đầu tư 22 nhà màng trồng nấm rơm, trên diện tích khoảng 4.000m2 theo phương pháp hữu cơ.
Anh Ngọc cho biết, để nấm phát triển tốt thì nhà màng phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát các thông số như: ánh sáng, nhiệt độ, không khí, độ ẩm… “Trồng nấm trong nhà màng đòi hỏi nông dân phải sử dụng các kỹ thuật như: muốn tăng nhiệt độ thì sử dụng hệ thống sưởi, còn khi thời tiết nắng nóng thì dùng hệ thống phun sương để hạ nhiệt độ. Nhờ đó, người trồng nấm có thể kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm trong nhà nấm. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng nhà trồng nấm khép kín cũng khá cao”, anh Ngọc chia sẻ.
Điểm đặc biệt của mô hình này là nấm trồng trên giàn thép phân thành nhiều tầng, nên tiết kiệm diện tích đất sản xuất. Giá thể trồng nấm dùng nguyên liệu chủ yếu là phế phẩm từ thân cây bông vải, rơm, cây bắp xay nhuyễn, nhanh mục, dinh dưỡng cao, chi phí rẻ, thời gian từ khi làm đất trồng đến khi thu hoạch là 15 ngày.
Cũng theo anh Ngọc, trồng nấm trong nhà màng không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, đầu ra của sản phẩm cũng được bảo đảm. Nấm thành phẩm không to và bắt mắt như trồng bên ngoài, nhưng bù lại là nấm sạch nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nấm rơm hiện được bán cho thương lái trong tỉnh với giá từ 70 ngàn đồng/kg, bán lẻ cho người tiêu dùng từ 100 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, anh Ngọc còn hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn huyện kỹ thuật trồng, thu hoạch nấm rơm trong nhà màng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Anh Ngọc đang dự kiến đầu tư khoảng 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống sấy thăng hoa, giúp nâng cao giá trị nông sản, nấm rơm khô sẽ cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức Thân Xuân Động nhận xét, mô hình trồng nấm rơm trong nhà màng của anh Nguyễn Kim Ngọc là mô hình sản xuất mới, tận dụng được các loại phế phẩm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế bước đầu khả quan. Thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính hiệu quả của mô hình, đồng thời vận động và hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình, nhất là đối với các hộ có ít đất canh tác, qua đó giúp bà con tăng thu nhập.
Bài, ảnh: HOÀNG HUYỀN