Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 15%. Tuy nhiên, sắp hết quý I, tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm so với cuối năm 2023. Đại diện một số ngân hàng lớn dự đoán khả năng hấp thụ tín dụng trong năm nay sẽ thấp.
Khách hàng giao dịch tại BIDV - chi nhánh Phú Mỹ. |
Nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn
Sau một loạt các động thái giảm lãi suất huy động, thời gian gần đây các ngân hàng cũng tung ra nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn nhằm kích cầu tín dụng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank -chi nhánh Vũng Tàu cho biết, thực hiện cam kết đồng hành và phát triển cùng DN, ngay từ đầu năm 2024, hệ thống Agribank đã dành gần 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi triển khai 5 chương trình cho khách hàng cá nhân và DN. Tùy từng gói vay mà lãi suất có thể thấp hơn tối đa 1,5%/năm -2% so với sàn lãi suất cho vay thông thường. Trong số các gói vay đó, có những gói ưu đãi được Agribank áp dụng đến hết năm nay.
Trong khi đó, tại BIDV đang triển khai 2 gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn với tổng quy mô 200.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và DN phục vụ sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm, áp dụng đến hết năm 2024.
Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, không riêng gì Agribank, BIDV mà nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai các gói vay với lãi suất ưu đãi. Sacombank mới bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng, nâng tổng gói vay ưu đãi lên 45.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi ở mức 6-7%/năm. Các gói vay phục vụ đời sống có lãi suất thấp hơn, chỉ từ 6,5%/ năm, thực hiện đến hết tháng 3/2024.
Bên cạnh các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng còn chủ động giảm lại suất cho vay. Chẳng hạn, tại Agribank đã giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm.
Theo thông tin mới nhất từ NHNN, đến hết tháng 1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Nhưng khó tăng cao
Theo NHNN, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận ở mức khá thấp, thậm chí là âm, đặc biệt ở nhiều ngân hàng lớn. Riêng trong tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Các ngân hàng có thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Theo báo cáo của NHNN, chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 1/2024, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 184.300 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế chỉ đạt 166.800 tỷ đồng, tăng 0,56%. |
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng khách hàng cá nhân BIDV- chi nhánh Phú Mỹ cho biết: Trong tháng 1 dư nợ giảm khá nhiều. Tháng 2 thì có tích cực hơn. Tuy nhiên vẫn chưa phục hồi lại con số so với hồi cuối 2023. Vì vậy, mặc dù mặt bằng lãi suất giảm nhiều nhưng sức vay vẫn chưa được như kỳ vọng.
Lý giải về tình trạng tín dụng giảm trong các tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết nguyên nhân là do thị trường ảm đạm, người dân chưa tìm được hướng đầu tư, kinh doanh khả quan (cả đầu tư mới và mở rộng dự án) nên chưa mạnh dạn đầu tư. Hơn nữa, một số hộ kinh doanh khó khăn nên đã tạm ngưng, tìm nguồn khác để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, đại diện các ngân hàng cho rằng khả năng hấp thụ vốn sẽ tăng chậm. Bởi lẽ, tổng cầu thế giới và trong nước phục hồi chậm. Năng lực tài chính của các DN vẫn đang suy giảm, khả năng chống chịu kém. Trong khi đó, áp lực nợ xấu đối với các ngân hàng trong năm 2024 là rất lớn; bộ đệm dự phòng rủi ro nợ xấu đang mỏng đi nên các ngân hàng sẽ thận trọng trong việc cấp tín dụng.
Bài, ảnh: HÀ AN