Ngành thủy sản khởi sắc

Thứ Ba, 05/03/2024, 17:17 [GMT+7]
In bài này
.

Những tháng đầu năm 2024, ngành thủy sản có nhiều khởi sắc khi cả nguồn khai thác lẫn nuôi trồng đều có sự tăng trưởng.

Hải sản cập cảng Tân Phước (huyện Long Điền).
Hải sản cập cảng Tân Phước (huyện Long Điền).

Vượt khó vươn khơi

Theo Sở NN-PTNT, đầu năm sóng to, gió lớn, biển động nhưng sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đạt 63.752 tấn, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác của các loại nghề lưới rê, vây, câu mực tăng, nhất là nhóm đối tượng hải sản có giá trị kinh tế như: mực ống, bạch tuộc, cá cờ, ngừ, thu,…

Ông Nguyễn Đình Ngọc (ở phường 2, TP.Vũng Tàu) có 4 tàu cá đánh bắt xa bờ hành nghề lưới rê cho biết, các tàu ra khơi ngày mùng 9 Tết. Đến nay, mỗi tàu đều đã xuất bán một đợt cá trên biển trị giá khoảng 200 triệu đồng/tàu, chủ yếu là cá thu. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu lãi khoảng 60 triệu đồng. Trước đó, ngày 5/2, tàu trúng mẻ cá thu khoảng 8,5 tấn, thu hơn 1 tỷ đồng.

“Đầu năm xuất hành như vậy là khá thuận lợi, giá cá thu bán trên biển cũng cao hơn bình thường 20 ngàn đồng/kg. Đó là gặp gió lớn, biển động, nếu thuận lợi, hiệu quả đánh bắt còn hơn nữa”, ông Ngọc nói.

Để ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản tỉnh đã tập trung cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền theo hướng giảm theo quy hoạch, quản lý chặt chẽ hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được giao. Đến nay, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh có 4.578 chiếc, trong đó tàu cá khai thác thủy sản xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên là 2.745 tàu. Tàu khai thác thủy sản vùng lộng có chiều dài từ 12-15m có 642 tàu; còn lại tàu khai thác thủy sản vùng ven bờ có chiều dài dưới 12m là 1.191 tàu.

Nhân viên cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) kiếm tra giấy tờ, tọa độ, sản lượng hải sản khai thác theo nhật ký hành trình tàu cá khai báo.
Nhân viên cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) kiếm tra giấy tờ, tọa độ, sản lượng hải sản khai thác theo nhật ký hành trình tàu cá khai báo.

Đẩy mạnh phát triển công nghệ cao

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có sự tăng trưởng khá. Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng 2 là 5.453,5ha, sản lượng đạt 2.031 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ dịp Tết tăng cao. Hơn nữa, người nuôi thủy sản đẩy mạnh mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh công nghệ cao với các đối tượng chủ lực, kiểm soát tỷ lệ phần trăm cho ăn đúng quy trình, kỹ thuật, giúp duy trì tỷ lệ sống cao và cho năng suất cao.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa) cho biết, hôm mùng 8 Tết, HTX thu hoạch một khu nuôi được hơn 7 tấn tôm. “Giá bán tôm năm nay lại cao hơn năm ngoái 20 ngàn đồng/kg, lợi nhuận thu được gần 500 triệu đồng. Đầu năm được giá như vậy dự báo thị trường năm nay nhiều khởi sắc”, ông Chuyên đánh giá.

HTX có 2 khu nuôi, mỗi khu 4 hồ nuôi (500m2), 2 ao thải và 3 ao lắng. Một khu đã thu hoạch, một khu vài ngày nữa cũng thu hoạch với dự kiến sản lượng khoảng 8 tấn. HTX nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS).

Với công nghệ RAS, nước được đưa vào ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải từ ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng.

Sở NN-PTNT đề ra mục tiêu phát triển năm 2024: Tổng sản lượng thủy sản khai thác phấn đấu đạt 374.507 tấn, giá trị 30.797 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2023. Ngành thủy sản đặt trọng tâm thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phấn đấu đạt giá trị sản xuất hơn 2.511 tỷ đồng, tăng 5,43% so với năm 2023, tiếp tục khuyến khích các mô hình nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả nuôi trồng trên toàn tỉnh.

Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất cao mà không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải. Cụ thể, với công nghệ RAS, HTX đã tăng từ 1 vụ tôm/năm trong ao đất lên 3 vụ/năm, năng suất 20-30 tấn/vụ/ha, tổng doanh thu hàng năm 15-18 tỷ đồng.

Ông Chuyên cho biết, hàng năm HTX đều cải tiến công nghệ nuôi để tăng sản lượng và chất lượng tôm. HTX đã nghiên cứu áp dụng đưa công nghệ tách phân (tách chất bẩn, phân tôm, chất thải trong nguồn nước) và ương giống trong ao ương 1 tháng mới đưa ra ao nuôi, giúp giảm thời gian nuôi từ 90 ngày còn 60 ngày. Mật độ tôm nuôi trong ao cũng giảm từ 400 con/m2 còn 200 con, giúp giảm áp lực về oxy và tôm phát triển nhanh hơn.

“Trước kia tới thời điểm thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-36 con/kg thì nay được 30 con/kg. Tôm thu hoạch có kích thước, trọng lượng lớn hơn đã giúp tăng giá bán thêm 10 ngàn đồng/kg”, ông Chuyên thông tin.   

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
;
.