Tái tạo, đẩy mạnh phát triển nghề cá bền vững
Trong những năm qua, để phát triển ngành thủy sản, tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và chuyển đổi nghề phù hợp, nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững.
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở sông Ray (huyện Xuyên Mộc) nhân ngày truyền thống ngành thủy sản 1/4. |
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản
Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, bên cạnh việc tái tạo, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, việc thả cá, thả tôm hàng năm còn nhằm tăng mật độ quần thể các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức. Qua đó, tạo sự cân bằng sinh thái, ổn định quần thể giống loài trong các thủy vực, lưu vực tự nhiên. Việc làm này còn có mục đích khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước, góp phần chung tay xây dựng mục tiêu phát triển ngành theo hướng bền vững.
Theo đó, ngày 1/4 tỉnh sẽ thả 1 triệu con tôm sú giống, 1.000 cá chim vây vàng giống, 1.000 cá chẽm giống cùng 400kg con giống cá nước ngọt (trê, rô đồng, trắm cỏ, chép) ở khu vực sông Ray (huyện Xuyên Mộc) và sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).
Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 6.310ha với sản lượng hàng năm đạt khoảng 22 ngàn tấn, chủ yếu tập trung ở nhóm tôm nước lợ có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, ngành quan tâm chú trọng phát triển, chuyển giao nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao. Đến nay, đã có 23 tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã đạt 46,54%.
Chuyển đổi ngành nghề phù hợp
Trong những năm qua, sản xuất nông lâm ngư nghiệp của tỉnh phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng ngày càng đa dạng. Tỉnh đã chú trọng kêu gọi, hỗ trợ HTX, DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản thực hiện theo hướng liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm.
Trong đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển đội tàu khai thác xa bờ (hiện đội tàu khai thác xa bờ là 2.746 chiếc, chiếm 60% tàu cá toàn tỉnh) với sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt trên 300.000 tấn/năm. Trong khai thác đã chuyển mạnh sang ngư trường đánh bắt xa bờ các loại hải sản có giá trị cao, làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu được nâng lên, giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp và giảm những nghề khai thác gần bờ, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản.
Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng Phòng Kinh tế, TP.Vũng Tàu cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh việc giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Số lượng tàu cá trên địa bàn TP.Vũng Tàu hiện chỉ còn 1.417 tàu, giảm hơn 35% so với năm 2022. Tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ, hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như nghề lưới kéo (giã cào). Trong khi đó, tăng tỷ trọng tàu cá đánh bắt vùng khơi với các loài hải sản có giá trị cao, với 820 tàu hiện nay, chiếm gần 60% số lượng tàu cá của TP.Vũng Tàu.
Việc thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản cũng đã tạo động lực lớn cho ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá, đầu tư ngư cụ, thiết bị hiện đại khai thác vùng biển xa, gắn với bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, chủ động tổ chức đánh bắt phù hợp mùa vụ và theo hình thức tổ hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất ổn định, hiệu quả hơn.
“Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính sách tín dụng khuyến khích DN đầu tư vào nông lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm, ưu tiên các dự án nuôi thủy sản, nuôi biển ứng dụng công nghệ cao”, ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH