.
HƯỞNG ỨNG NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI 22/3

Cung cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt

Cập nhật: 17:14, 21/03/2024 (GMT+7)

Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm năng lực cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, nhất là ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu.

Hồ Đá Đen và hồ Sông Ray là hai hồ cấp nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh, cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho các địa phương.  Trong ảnh: Kỹ sư thủy lợi kiểm tra mực nước tại hồ chứa nước sông Ray.
Hồ Đá Đen và hồ Sông Ray là hai hồ cấp nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh, cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho các địa phương. Trong ảnh: Kỹ sư thủy lợi kiểm tra mực nước tại hồ chứa nước sông Ray.

Mọi người dân đều được sử dụng nước sạch

Những ngày tháng 3, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, các nhà máy cấp nước trên địa bàn tỉnh hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Thực hiện Kế hoạch số 251-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu, rộng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bằng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu bảo đảm năng lực cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, nhất là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu.
Đồng thời, khai thác, sử dụng tiết kiệm, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt, thiếu nước, bảo đảm mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý...
(Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Tại nhà máy cấp nước Sông Ray, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, ông Phan Thăng Long, Trưởng Chi nhánh cấp nước Châu Đức (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh) dõi theo trên màn hình quan sát. Nước từ hồ sông Ray đang cuồn cuộn đổ về nhà máy và bắt đầu một quy trình sản xuất từ nước thô thành nước sạch.

Ông Long cho biết, nhà máy cấp nước sông Ray đi vào hoạt động từ năm 2017 với công suất 10.000m3/ngày đêm, cung cấp nước cho người dân khu vực nông thôn thuộc 11 xã của huyện Châu Đức và 4 xã của huyện Xuyên Mộc. Trước đây, nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất nhưng những năm gần đây dân số tăng nhanh, thêm vào đó là lượng khách du lịch ngày càng đông nên nhà máy thường hoạt động 100% công suất. "Riêng những ngày lễ, Tết, đặc biệt là dịp nắng nóng như thời điểm này, nhà máy phải hoạt động 120% mới đáp ứng đủ nhu cầu” ông Long nói.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế hơn 317 triệu m3. Toàn tỉnh hiện có 6 đơn vị cung cấp nước sạch với 16 nhà máy sản xuất, tổng công suất thiết kế gần 530 ngàn m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước chủ yếu lấy từ hồ Đá Đen có dung tích hồ khoảng 33,4 triệu m3 và hồ sông Ray dung tích hồ khoảng 215,36 triệu m3.

Huyện Côn Đảo có 2 hồ chứa nước lớn gồm: hồ An Hải dung tích khoảng 0,54 triệu m3; hồ Quang Trung 1, 2 có dung tích 1,335 triệu m3. Đây là các hồ trữ nước ngọt nằm ở trung tâm huyện Côn Đảo có chức năng cung cấp, bổ cập cho nguồn nước ngầm được khai thác tại đây. Hiện có 25 hố khoan khai thác nước ngầm được bố trí xung quanh hồ, phục vụ cung cấp nguồn nước thô đưa về trạm xử lý nước tại huyện Côn Đảo.

Ngoài các nguồn nước từ ao, hồ, sông suối, Bà Rịa-Vũng Tàu có thể khai thác các nguồn nước dưới đất với mức khai thác tối đa 500 ngàn m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

Quy trình sản xuất nước đã được hiện đại hóa.  Trong ảnh: Kỹ sư kiểm tra tủ điều khiển sản xuất tại nhà máy nước Đá Bàng.
Quy trình sản xuất nước đã được hiện đại hóa. Trong ảnh: Kỹ sư kiểm tra tủ điều khiển sản xuất tại nhà máy nước Đá Bàng.

Đầu tư, xây mới mạng lưới cấp nước

Trước nhu cầu sử dụng nước tăng cao, để bảo vệ nguồn nước, tháng 2/2024, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 106 sông, suối, kênh, rạch; 30 hồ thủy lợi; 11 hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở khu đô thị, khu dân cư; 10 đập dâng được lập hành lang bảo vệ.

Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết thêm, hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng: bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. 

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% dân số ở thành thị được cung cấp nước sạch; 95% dân số ở nông thôn sử dụng nước máy từ các hệ thống cấp nước tập trung theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất, nhất là tại các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực của huyện Côn Đảo.

Để đạt được mục tiêu trên, định hướng cấp nước trong giai đoạn mới của tỉnh cho khu vực đô thị là mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công trình phù hợp với sự phát triển của các đô thị theo các giai đoạn. Đồng thời, đầu tư đồng bộ các trạm cấp nước với mạng lưới đường ống cấp nước để công trình phát huy hiệu quả; nâng cấp dây chuyền công nghệ, sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đối với cấp nước khu vực nông thôn, sẽ áp dụng hình thức cấp nước liên xã, liên huyện; phát triển các công trình cấp nước vùng dân cư tập trung đông; đầu tư xây mới, nâng cấp các công trình cấp nước cho vùng khan hiếm nước, vùng chưa được sử dụng nước sạch…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.