Tài sản trí tuệ là sức mạnh của doanh nghiệp
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc phát triển tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế.
Ông Phan Đông Huy (bìa phải), Giám đốc Công ty Sake Toàn Cầu (huyện Châu Đức) với các sản phẩm làm từ sake dự định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. |
Nâng cao giá trị thương hiệu
Ông Phan Đông Huy, Giám đốc Công ty Sake Toàn Cầu (huyện Châu Đức) cho biết, năm 2021 trong chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Sở KH-CN đã hỗ trợ công ty đăng ký bảo hộ 2 logo Sake Việt và Sake Toàn Cầu. Mỗi logo phát triển cho một dòng sản phẩm. Logo Sake Việt cho các sản phẩm bán trong nước và logo Sake Toàn Cầu cho các sản phẩm bán ra thị trường nước ngoài. Mức hỗ trợ nhà nước chi trả 24 triệu đồng.
“Việc bảo hộ logo hay các tài sản trí tuệ khác rất có lợi cho DN trong việc nâng sức cạnh trên thị trường, chống hàng gian, hàng giả. Đặc biệt, khi tiếp cận thị trường quốc tế, giúp DN nâng cao giá trị thương hiệu”, ông Huy nói.
Việc tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển, bảo hộ tài sản trí tuệ đã là trợ lực rất lớn cho DN khởi nghiệp và phát triển bền vững. Ông Huy thông tin thêm, sắp tới công ty sẽ tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho các dòng sản phẩm mới như bún, miến sake, ngũ cốc, bánh, bột sake…
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN khẳng định, phát triển tài sản trí tuệ luôn được tỉnh quan tâm thúc đẩy. UBND tỉnh đã có Quyết định 1470/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Tài, Giám đốc Công ty Vinabiomush (huyện Châu Đức) cho biết đang làm hồ sơ để được tỉnh hỗ trợ lấy OCOP 5 sao cho 2 sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao là nấm đông trùng hạ thảo khô và trà túi lọc đông trùng hạ thảo. |
Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tập huấn và đào tạo cho DN trong chương trình này là 100% chi phí, cũng như hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước (nước ngoài là 50%).
Đặc biệt ngày 14/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND hỗ trợ các DN xác lập tài sản sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, giống cây trồng mới.
Cụ thể, Nghị quyết 04 quy định mức chi hỗ trợ (trong nước) đối với bảo hộ sáng chế và giống cây trồng mới 30 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Riêng mức chi cho các bảo hộ nói trên ở nước ngoài là 60 triệu đồng/đơn chấp nhận hợp lệ theo quy định của các tổ chức quốc tế và quốc gia nộp đơn.
Sản phẩm K-Products bày bán tại siêu thị Asia No Eki (Nhật Bản). Công ty K-Products (TP.Vũng Tàu) đang có chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho các dòng sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ở thị trường nước ngoài. |
Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ
Theo lãnh đạo Sở KH-CN, chương trình phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động sở hữu trí tuệ ở tất cả khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Quan trọng là nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ của DN, tổ chức, cá nhân nhằm hướng tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Duy Tâm Thanh cho biết.
Theo Sở KH-CN, 5 năm qua trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 1.500 xác lập về tài sản trí tuệ của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và DN. Năm 2023 Sở KH-CN đã hướng dẫn 25 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. |
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh đặt mục tiêu: 100% cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, DN có hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ (đến năm 2025).
Đến năm 2030, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa và thể thao chấp hành tốt các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan. Có đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu trung bình mỗi năm có 5 sáng chế, 20 kiểu dáng công nghiệp, 200 nhãn hiệu, 1-3 giống cây trồng.
Ngoài ra, có ít nhất 15 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và 50 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Bà Mai Thị Thu Trang, Giám đốc kinh doanh Công ty K-Products (TP.Vũng Tàu) khi biết HĐND và lãnh đạo tỉnh có Nghị quyết, chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ tỏ ra rất vui mừng.
“Công ty đang có chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho tất cả sản phẩm, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài. Chính vì thế, các hỗ trợ của tỉnh về phát triển tài sản trí tuệ là một trợ lực không nhỏ cho DN phát triển, cạnh tranh, vươn xa ra tầm quốc tế”, bà Trang nói.
Bài, ảnh: NGỌC MINH