Làng nghề truyền thống tất bật vụ Tết

Thứ Tư, 07/02/2024, 11:22 [GMT+7]
In bài này
.

Từ 20 tháng Chạp đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, làng nghề bước vào cao điểm phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những ngày này, các cơ sở phải tăng nhân công sản xuất mới kịp đơn hàng.

Từ ngày 20 tháng Chạp đến nay, công nhân cơ sở sản xuất chả lụa Hải Yến (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) luôn tất bật với công việc thái thịt, xay thịt và đóng gói, hấp chả lụa. Bà Đặng Thị Kim Hải, chủ cơ sở cho biết, ngày bình thường cơ sở cung cấp ra thị trường gần 1 tạ chả các loại, còn vào những ngày cao điểm Tết như hiện nay số lượng tăng gấp đôi, với các loại như: chả lụa, chả thủ, chả tai ớt xanh, chả da và chả bò. 

Sản xuất giò tại cơ sở chả lụa Hải Yến.
Sản xuất giò tại cơ sở chả lụa Hải Yến.

Theo bà Hải, các sản phẩm thực phẩm đặc biệt là giò chả, nguyên liệu phải luôn bảo đảm yếu tố sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm nên bà ưu tiên chọn 100% cơ sở chăn nuôi tại địa phương, có xuất xứ nguồn gốc, thịt tươi ngon và vừa mổ xong. Hiện nay, các loại chả của cơ sở cung cấp cho thị trường trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lận cận như: Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh. “Cơ sở của chúng tôi vừa có 2 sản phẩm được bình chọn sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, nên lượng khách đặt hàng Tết năm nay tăng lên đáng kể”, bà Hải chia sẻ. 

Dịp Tết Nguyên đán 2024, cơ sở giò chả, bánh chưng Thùy Dương, phường 10, TP.Vũng Tàu dự kiến sản xuất khoảng 2.000 chiếc bánh chưng và 1 tấn giò chả. Để có nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, cơ sở chủ động đặt sớm nguyên liệu; trong đó, 80% nguyên liệu làm bánh chưng từ lá dong, lạt gói... được lấy ngoài Bắc, riêng nếp sử dụng 100% nếp cái hoa vàng của miền Bắc. Mỗi ngày cơ sở sản xuất giò chả, bánh chưng của bà chỉ cần từ 2-3 nhân công. Tuy nhiên, từ 22 tháng Chạp đến nay, mỗi ngày có từ 10-12 nhân công gói bánh chưng mới kịp đơn hàng.

Bà Dương chia sẻ: “Gói bánh chưng dịp lễ, Tết đòi hỏi bánh phải ngon, hình thức phải đẹp. Vì vậy, ngoài lao động cũ, tôi vẫn phải tìm kiếm thêm người có tay nghề để gói bánh". 

Gói bánh chưng tại TP. Vũng Tàu phục vụ thị trường Tết.
Gói bánh chưng tại TP.Vũng Tàu phục vụ thị trường Tết.

Còn tại làng nghề bánh tráng An Ngãi, huyện Long Điền cũng đang vào cao điểm phục vụ thị trường Tết. Trên khắp các nẻo đường của làng nghề, đâu đâu cũng thấy những liếp bánh tráng được sắp xếp ngay ngắn phơi dưới nắng. Còn trong các lò tráng bánh cũng hoạt động hết công suất. Vào mùa này, bánh tại các lò làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Bà con làng bánh tráng An Ngãi sản xuất bánh tráng phục vụ nhu cầu thị trường Tết.
Bà con làng bánh tráng An Ngãi sản xuất bánh phục vụ nhu cầu thị trường Tết.

Bà Đặng Thị Son (ấp An Phước, xã An Ngãi, huyện Long Điền) cho biết, mỗi ngày bà tráng khoảng 1.500 chiếc, với thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, từ đầu tháng Chạp đến nay, bà phải huy động thêm 2 lao động của gia đình tráng khoảng 2.500 chiếc bánh/ngày.

Bà Son nói: "Tháng Chạp là tháng cao điểm vào mùa Tết của bà con làm nghề bánh tráng. 3 giờ sáng tôi đã dậy nổi lửa, bắc nồi tráng bánh và đến 5 giờ chiều mới kết thúc công việc trong ngày. Vất vả thức khuya, dậy sớm để tráng bánh, nhưng thấy đơn hàng năm nay khách đặt nhiều hơn năm ngoái, giá lại tăng hơn 10 ngàn đồng/100 bánh so với năm ngoái (giá dao động từ 30-35 ngàn đồng/100 bánh), trừ chi phí tôi còn lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày. Đơn hàng tăng, giá cũng tăng nên tôi cũng như bà con làm nghề bánh tráng rất vui”. 

Không khí sản xuất tại các cơ sở sản xuất, làng nghề những cận Tết đang tất bật, hối hả để làm ra những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm đặc trưng trong dịp Tết tăng cao là động lực để các cơ sở, bà con làng nghề đẩy mạnh sản xuất và đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

;
.