HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẤT NGẬP NƯỚC THẾ GIỚI (NGÀY 2/2)

Sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Thứ Năm, 01/02/2024, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Các vùng đất ngập nước (ĐNN) được xem là có sự đa dạng sinh học cao nhất trong tất cả các hệ sinh thái. Do đó, Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ nỗ lực bảo tồn, phát triển diện tích các vùng ĐNN mà còn đưa các vùng ĐNN vào sử dụng một cách hiệu quả và bền vững.

Rừng ngập mặn trong vùng diện tích đất ngập nước tại VQG Côn Đảo.
Rừng ngập mặn trong vùng diện tích đất ngập nước tại VQG Côn Đảo.

Sử dụng hiệu quả và bền vững 

Không chỉ mang đầy đủ giá trị của vùng ĐNN như làm chậm dòng chảy phát tán của nước triều, giảm độ mạnh và cao của sóng triều, bảo vệ đê biển, hạn chế xâm nhập mặn, tạo đa dạng sinh học, rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn có tác dụng là “lá phổi” cho các đô thị và giá trị cảnh quan rất lớn. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, các vùng ĐNN góp phần quan trọng giúp cân bằng sinh thái, là không gian sinh tồn của hàng ngàn loài sinh vật, đồng thời là nguồn sống của hàng triệu người dân. Nhận thức được tầm quan trọng nêu trên, công tác bảo tồn và phát triển bền vững các vùng ĐNN là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.

Thanh niên tham gia trồng rừng ngập mặn ven biển Bà Rịa -Vũng Tàu.
Thanh niên tham gia trồng rừng ngập mặn ven biển Bà Rịa -Vũng Tàu.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát động trồng 2ha rừng ngập mặn tại phần rừng phòng hộ thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Các loại cây được trồng chủ yếu là đước và bần. Đến nay, khu rừng ngập mặn 2ha xã Long Sơn nay đã xanh tươi, bổ sung một phần diện tích rừng ngập mặn đã bị mất do tốc độ đô thị hóa nhanh. Tại huyện Côn Đảo nhiều ha diện tích rừng ngập mặn cũng đã được trồng mới, bổ sung thêm cho phần diện tích ĐNN của VQG Côn Đảo thêm tươi xanh hơn.

Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy, với diện tích khoảng 12 triệu ha, các vùng ĐNN ở Việt Nam chiếm khoảng 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng hơn 20.000 ha diện tích ĐNN, trong đó tập trung nhiều nhất là huyện Côn Đảo, TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu. Riêng VQG Côn Đảo có hơn 14.000ha diện tích ĐNN.

Trước xu hướng suy thoái của các vùng đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày ĐNN thế giới vào ngày 2/2/2024 với chủ đề “Đất ngập nước và phúc lợi cho con người”. Sự kiện nhằm làm nổi bật mối liên hệ giữa phúc lợi cho con người với sức khỏe của các vùng ĐNN trên thế giới; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng trong các hoạt động quản lý của con người đối với các vùng ĐNN trên thế giới.

Bảo vệ toàn diện vùng ĐNN

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4143 /UBND-VP về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương, tiếp tục tổ chức thống kê, kiểm kê, phân loại các vùng ĐNN thuộc địa bàn quản lý theo pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Từ đó triển khai kế hoạch trồng, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng cửa sông, ven biển, rạn san hô, thảm cỏ biển… để tái lập sự đa dạng sinh học trước đây. Việc bảo vệ diện tích rừng và số loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và VQG Côn Đảo… cũng được tăng cường.

Theo ông Đặng Sơn Hải, để bảo vệ và sử dụng bền vững vùng ĐNN, việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và phục hồi hệ sinh thái biển được xác định là nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Ngoài ra, cần kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái biển trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường bằng biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển. Đồng thời, cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả trong việc kiểm soát các hoạt động khai thác và làm suy kiệt hệ sinh thái biển.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.