Bức tranh công nghiệp như thế nào trong năm 2024?

Thứ Sáu, 16/02/2024, 18:13 [GMT+7]
In bài này
.

Các doanh nghiệp có dự án lớn giữ được đà tăng trưởng ổn định, trong khi cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục đổi mới, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường... Bức tranh công nghiệp được dự báo sẽ có những mảng màu tươi sáng.

Sản xuất tại Công ty TNHH TM-DV Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền. DN này đã nhận được các đơn hàng lớn ngay từ đầu năm.
Sản xuất tại Công ty TNHH TM-DV Nhà thép Khang Thịnh, huyện Long Điền. DN này đã nhận được các đơn hàng lớn ngay từ đầu năm.

Vai trò dẫn dắt của dự án lớn

Theo Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh 2015) trừ dầu thô và khí đốt tháng 1/2024 đạt hơn 34.800 tỷ đồng, tăng 3,54% so với tháng trước và 18,08 % so với cùng kỳ năm 2023. Tăng trưởng mạnh mẽ nhất là các lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất và phân phối điện. Điều này cho thấy tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp ngay từ đầu năm.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh bứt phá ngay từ đầu năm nhờ vào những tác động tích cực từ các dự án lớn với nguồn vốn đầu tư hàng tỷ USD.  

Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (xã Long Sơn), TP.Vũng Tàu có vốn đầu tư khoảng 5,1 tỷ USD đã chạy thử nghiệm 100% công suất, sẵn sàng cho việc vận hành thương mại từ đầu tháng 3/2024.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (chủ đầu tư tổ hợp) cho biết: “Khi hoạt động ổn định, tổ hợp sản xuất 1,35 triệu tấn olefin mỗi năm. Đây là nguyên liệu thô cho các nhà máy sản xuất hạt nhựa thiết yếu với công suất 1,4 triệu tấn/năm. Khi đó, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam dự kiến đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, đóng góp hơn 150 triệu USD mỗi năm vào ngân sách”.

Cùng với tổ hợp này, tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang có nhiều dự án sản xuất trọng điểm, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách như nhà máy Hyosung Vina, đạm Phú Mỹ và một số DN sản xuất thép như Công ty TNHH Tungho Việt Nam, Công ty CP Thép Posco Yamato, Công ty TNHH Thép miền Nam-VNSTEEL… Trước những khó khăn trong thời gian qua, các doanh nghiệp này đang nỗ lực duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chuẩn bị vận hành thương mại từ tháng 3/2024.
Tổ hợp Hóa dầu miền Nam chuẩn bị vận hành thương mại từ tháng 3/2024.

Đầu năm, đã có đơn hàng để tăng ca

Xuân mới Giáp Thìn của Công ty TNHH TM-DV Nhà thép Khang Thịnh (xã An Ngãi, huyện Long Điền) rộn ràng hơn nhiều.

Khang Thịnh là DN hoạt động trong lĩnh vực thi công, chế tạo kết cấu thép. Ngay từ đầu năm, công ty đã này nhận 2 đơn hàng trị giá hơn 1 tỷ đồng của các đối tác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Khang Thịnh cũng chuẩn bị ký hợp đồng với khách hàng cũ, giá trị hợp đồng tăng thêm gần 40 tỷ đồng. Nhờ đó, 80 lao động của DN chắc chắn có việc làm và thu nhập ổn định trong nhiều tháng tới.            

“Có được đơn hàng ngay từ đầu năm là tín hiệu vui, hy vọng một năm sản xuất thuận lợi. Chúng tôi sẽ nỗ lực thi công bảo đảm chất lượng, giữ vững thương hiệu, uy tín với khách hàng”, bà Trần Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Công ty Khang Thịnh nói.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhận định, lĩnh vực thi công, chế tạo kết cấu thép tuy đã khởi sắc nhưng chưa thể bứt phá, do các ngành xây dựng, bất động sản vẫn chưa phục hồi. Do đó, để bảo đảm sản xuất, kinh doanh ổn định, DN chủ động tìm kiếm các đối tác mới trong và ngoài tỉnh. 

“Chúng tôi đầu tư thêm máy móc, mở rộng sản xuất với mục tiêu tham gia chuỗi sản xuất có quy mô lớn và đã có được những thành quả đầu tiên. Vừa qua, Khang Thịnh đã nhận được đơn hàng thi công nhà thép tại KCN Lộc Sơn (tỉnh Lâm Đồng) với diện tích 2,5ha, trị giá cả trăm tỷ đồng”, bà Thủy cho biết thêm.    

Còn ông Võ Ngọc Tường Linh, Giám đốc Công ty TNHH Forimex Thịnh Hoàng (TX. Phú Mỹ), sản xuất trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất cho biết, hiện nay đang là thời điểm thu mua hàng của các đối tác từ châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Do đó, dù chỉ mới đầu năm nhưng 150 công nhân đã phải tăng ca để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn hàng.

Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh dự báo, năm 2024, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều diễn biến khó lường. Do đó, DN mong muốn tiếp tục được Chính phủ, tỉnh hỗ trợ bằng nhiều chính sách, chương trình cụ thể, liên quan đến các vấn đề thuế, vốn vay ngân hàng, xử lý nợ đọng và thủ tục hành chính... Cùng với đó, các tổ chức, hiệp hội DN, doanh nhân của tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò kết nối, phát huy sức mạnh tự lực, tự cường trong cộng đồng.

Ông Linh cho biết: “DN đã có đơn hàng sản xuất đến hết nửa đầu năm 2024. Cùng với đó, chúng tôi cũng nhận gia công thêm cho các đối tác trong nước, với mục tiêu đạt được doanh thu 4 triệu USD trong năm nay”.

Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn xác định hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm, với nhiều giải pháp duy trì và thúc đẩy năng lực sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung giám sát, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính về các loại giấy phép; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN như miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tiếp cận vốn tín dụng, cấp phép lao động… 

Sở Công thương cũng đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, như: tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhằm góp phần kích cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như: sắt thép, cấu kiện kim loại, năng lượng điện…; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường 994, Đường vành đai 4…; duy trì hoạt động Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn của DN…

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.